Phương pháp lăn kim và laser sẽ giúp điều trị được nhiều vấn đề về da mà những phương pháp thông thường không thể xử lý được.
Khái niệm tế bào gốc trong phương pháp lăn kim
Tế bào gốc là các tế bào có tiềm năng đa dạng để phát triển và biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau của cơ thể trong suốt quá trình phát triển và tăng trưởng. Ngoài ra, ở một số tổ chức mô chúng hoạt động như một hệ thống sửa chữa nội bộ và phân chia không giới hạn để cung cấp thêm các tế bào mới. Khi tế bào gốc phân chia, các tế bào mới hoặc vẫn giữ vai trò là tế bào gốc hoặc sẽ phát triển thành một tế bào mới với chức năng chuyên biệt hơn, chẳng hạn như tế bào cơ, tế bào hồng cầu hay tế bào não…
Tế bào gốc có tiềm năng để phát triển và biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau
Đặc điểm tế bào gốc
Tế bào gốc được phân biệt với các loại tế bào khác bởi hai đặc điểm quan trọng. Thứ nhất, chúng là những tế bào không chuyên biệt có khả năng đổi mới bản thân sau quá trình phân chia tế bào hoặc sau một thời gian dài không hoạt động. Thứ hai, trong một số điều kiện sinh lý và thực nghiệm nhất định, chúng có thể phát triển thành các tế bào tổ chức của mô hay các cơ quan với các chức năng đặc biệt. Ở một số bộ phận như ruột và tủy xương, tế bào gốc thường xuyên phân chia để sửa chữa và thay thế các phần mô bị hư hỏng trong khi một số cơ quan khác như tụy và tim, tế bào gốc chỉ phân chia trong những điều kiện đặc biệt.
Tế bào gốc thường xuyên phân chia để sửa chữa và thay thế các phần mô bị hư hỏng ở ruột và tủy xương
Chức năng của tế bào gốc
Trước khi xem xét việc bổ sung thành phần dịch chiết tế bào gốc vào các sản phẩm chăm sóc da, ta cần phải hiểu được vai trò của nó trong da. Phần lớn các tế bào gốc trong da khu trú ở lớp đáy của biểu bì. Chức năng chính của nó là cung cấp các tế bào da qua quá trình tự nhiên trong cơ thể và làm lành vết thương. Khi một tế bào gốc phân chia, các tế bào con có khả năng vẫn giữ nguyên tính chất ban đầu như tế bào mẹ và có thể biệt hóa thành các loại tế bào khác với chức năng chuyên biệt.
Các tế bào này sau khi trải qua một vài quá trình phân chia nhanh chóng ở lớp đáy, chúng ngừng phân chia và di chuyển qua các lớp bên trên đến bề mặt da. Tại đây chúng dần biệt hóa và chết đi tạo nên một lớp tế bào sừng. Các tế bào gốc liên tục đổi mới lớp biểu bì với chu trình khoảng 1 tháng. Các tế bào gốc biểu bì cũng được lưu trữ trong một vi môi trường gọi là chỗ phình nằm ở đáy của nang tóc. Chúng duy trì trạng thái không hoạt động cho đến khi được huy động bởi các tế bào lân cận để giúp phục hồi da.
Tế bào gốc cung cấp các tế bào da qua quá trình tự nhiên trong cơ thể và làm lành vết thương
Mặc dù làn da không ngừng đổi mới trong suốt đời sống của một cơ thể trưởng thành, các tế bào gốc của da vẫn bắt đầu tái tạo chậm hơn như một phần tất yếu của tiến trình lão hóa. Người ta tin rằng quá trình làm lành vết thương yếu kém của các làn da lão hóa có thể là do việc huy động tế bào gốc bị suy yếu hoặc cũng có thể là do số lượng tế bào gốc không đáp ứng đầy đủ với tín hiệu tăng sinh. Các tế bào bị mất hay chết đi bắt đầu nhiều hơn so với lượng tái sinh của chúng từ đó dẫn đến các dấu hiệu của sự lão hóa, chẳng hạn như cấu trúc da bắt đầu lỏng lẻo và giảm đi sự săn chắc, tái tạo kém. Chính vì điều này mà dịch chiết tế bào gốc trở thành một thành phần tuyệt vời trong các sản phẩm chống lão hóa cũng như tái tạo da, điều trị sẹo lõm. Ngoài ra các tia UV còn gây nhiều tác hại cho da bao gồm lão hóa do mặt trời, viêm, đỏ da, cháy nắng và thậm chí là ung thư.
Tế bào gốc đã được chứng minh có khả năng bảo vệ da chống lại các bức xạ cực tím và gốc tự do qua nhiều cơ chế. Lợi ích này khiến nó càng trở nên được chú trọng sử dụng nhiều hơn trong các sản phẩm cũng như liệu trình chăm sóc da.
Tế bào gốc có chức năng trung hòa các gốc tự do
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã xác định được các chiết xuất tế bào gốc có nguồn gốc thực vật với đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ có khả năng bảo vệ các tế bào gốc làn da an toàn trước sự mất cân bằng oxy hóa do tia UV gây ra, chống viêm, trung hòa các gốc tự do và đảo ngược các tổn thương do ánh nắng mặt trời. Do đó các sản phẩm có chứa các chiết xuất từ tế bào gốc thực vật không chỉ có khả năng thúc đẩy sự tăng sinh tế bào, tái tạo làn da một cách mạnh mẽ mà còn có tác dụng chống lại các tác hại của tia UV lên làn da và cơ thể.
Không giống với tế bào gốc biểu bì, tế bào gốc thực vật có đặc tính toàn năng, nghĩa là chúng có khả năng tăng trưởng, tái tạo thành toàn bộ một cơ thể thực vật mới hoàn chỉnh. Nhờ vào công nghệ tế bào gốc thực vật tiên tiến, các nhà khoa học Có khả năng chiết xuất các tế gốc bào này từ các tổ chức mô và khả năng tái tạo của chúng có thể được ứng dụng trên cơ thể con người. Việc sử dụng tế bào gốc chiết xuất từ thực vật là an toàn, nó bỏ qua được những tranh cãi xung quanh nguồn gốc, độ an toàn cũng như các phương pháp chiết xuất vẫn đang tồn tại ở tế bào gốc từ người.
Ứng dụng tế bào gốc trong thẩm mỹ
Công nghệ tế bào gốc đặc biệt được sử dụng thành công trong các ứng dụng về da: điều trị các tổn thương da như bỏng, các bệnh lý da và chăm sóc da thẩm mỹ, hỗ trợ chất lượng liền sẹo trong ngoại khoa và phẫu thuật thẩm mỹ.
Công nghệ tế bào gốc ứng dụng trong lĩnh vực làm đẹp
Các loại sản phẩm trong thẩm mỹ
- Sản phẩm là dung dịch nuôi cấy tế bào, khi thẩm thấu vào da sẽ cung cấp chất bổ dưỡng cho tế bào gốc da. Tế bào gốc da sẽ khỏe và mạnh, sinh ra những tế bào mới khỏe mạnh mang theo các đặc tính sinh học của da sẽ được cải thiện.
- Sản phẩm là dung dịch nuôi cấy chứa tế bào gốc đa năng, khi đi vào da, tế bào gốc có thể biệt hóa thành các tế bào biểu bì hay trung bì phát triển dồi dào giúp cho sự thay mới, làm trẻ hóa da hay thay những tế bào hư hại bằng những tế bào trẻ khỏe với chức năng đầy đủ và vững mạnh.
- Sản phẩm từ tế bào gốc dùng trong mục đích chống lão hóa, làm mờ vết nhăn.
- Sản phẩm có ưu điểm là ít phản ứng phụ, không bị đào thải, duy trì được tác dụng lâu.
Phương pháp lăn kim
Trong lĩnh vực y khoa da liễu, phương pháp lăn kim là một phương pháp phổ biến điều trị nhanh chóng các vấn đề như sẹo mụn, nếp nhăn và làm trẻ hóa da.
Tóm tắt sơ lược về lịch sử hình thành phương pháp này:
– Năm 1991: Orentreich mô tả phương pháp lăn kim trong điều trị sẹo.
– Năm 1997: Camirand và Doucet mô tả phương pháp lăn kim với súng xăm trong điều trị sẹo.
– Năm 2006: Fernandes phát triển liệu pháp kích thích sản sinh collagen với lăn kim. Dụng cụ được sử dụng là một đầu lăn gồm 192 mũi kim xếp trên 8 hàng, dài từ 0,5 – 1,5 mm, đường kính là 0,1 mm. Kim dùng trong kỹ thuật này được sản xuất bằng công nghệ mài mòn ion trên silicon hoặc dùng thép không gỉ. Dụng cụ được tiệt trùng bằng tia gamma và đầu kim được khuyến cáo chỉ nên dùng 1 lần.
Lăn kim giúp điều trị nhanh chóng sẹo, nếp nhăn và trẻ hóa da
Nguyên tắc và cơ chế tác động của phương pháp lăn kim
Da người gồm 3 lớp biểu bì, trung bì và hạ bì. Biểu bì là lớp ngoài cùng của da, có chức năng là hàng rào bảo vệ da khỏi mất nước và những sự xâm nhập từ môi trường bên ngoài. Vượt qua được lớp biểu bì là một trong những yêu cầu được đặt ra cho những sản phẩm sử dụng ngoài da. Thời gian gần đây, lăn kim nổi lên như là một phương pháp giúp đưa các hoạt chất đi qua lớp biểu bì.
Những mũi kim trong kỹ thuật lăn kim giúp thúc đẩy việc sản sinh collagen mới thông qua việc phóng thích các yếu tố tăng trưởng và tăng cường hấp thu cũng như xâm nhập của các thành phần có hoạt tính từ các đường vi tổn thương.
Những mũi kim trong kỹ thuật lăn kim giúp thúc đẩy việc sản sinh collagen mới
Ngày nay chúng ta biết rất rõ rằng sự lành vết thương và các rối loạn biểu mô được kiểm soát bởi tín hiệu điện phát ra từ các mũi kim xuyên qua các lớp da. Những mũi kim nhỏ nhưng sắc bén có thể cắt thủng dọc, ngang vết sẹo và kích thích hình thành sợi collagen mới làm đầy vết sẹo. Đồng thời, các mũi kim cũng phá vỡ các sợi collagen cũ và cứng của vết sẹo, cho phép các mao mạch tăng cường bơm máu đến mô sẹo. Tái thông mạch máu và tăng tưới máu giúp thay đổi sắc tố da xung quanh sẹo. Tất cả đều là các quá trình sinh lý tự nhiên. Vì vậy, bóc tách lớp biểu bì là không cần thiết khi các mũi kim cũng sẽ phá vỡ các liên kết giữa collagen và các sợi cân dưới da. Trong mọi trường hợp, phương pháp này được đề nghị thực hiện trước khi quyết định thực hiện bóc tách biểu bì.
Chỉ định dùng lăn kim
– Sẹo mụn
– Da bị lão hóa, nếp nhăn
– Lỗ chân lông to
– Rạn da
– Tăng sắc tố sau viêm
– Rụng tóc
Chống chỉ định dùng phương pháp lăn kim
– Phụ nữ mang thai và cho con bú
– Đang đợt mụn cấp
– Rối loạn cảm quan
– Có điều trị với thuốc cản quang trong thời gian gần
– Đang bị nhiễm khuẩn hoặc virus
Laser trị liệu
Ánh sáng là một khái niệm phức tạp, gồm những hạt mang năng lượng là photon. Photon với bước sóng khác nhau sẽ có bức xạ khác nhau. Bước sóng càng ngắn, năng lượng ánh sáng càng cao và ngược lại.
Laser trong trị liệu thẩm mỹ
Ai là người khám phá ra laser?
Albert Einstein đã công bố tất cả những lý thuyết về laser năm 1917 trong thuyết “lượng tử bức xạ”, ông mô tả sự tương tác của nguyên tử, phân tử với trường điện từ ánh sáng dưới hình thức hấp thụ liên tục và phát xạ năng lượng. Ông kết luận rằng, dựa vào những nguyên tắc nhiệt động học, sự phát xạ năng lượng hoàn toàn có thể điều khiển được.
Và đến năm 1959, Dr Charles H. Townes và Dr. Arthur L. Schawlow phát minh ra thiết bị phát laser đầu tiên nhờ lý thuyết của Albert Einstein và đặt tên là Maser. Trình tự phát minh ra các loại laser như sau:
- Năm 1960: Laser Ruby được tạo ra bởi Dr. Theodore
- Năm 1961: Laser Argon
- Năm 1964: Laser YAG
- Năm 1966: Laser màu nhuộm
- Năm 1975: Laser Excimer (loại laser dùng trong phẫu thuật tật khúc xạ mắt)
- Năm 1982: Laser hơi vàng
Sau đó, nhiều loại laser với những tính chất khác nhau lần lượt ra đời như: laser alexandrite (sử dụng trong triệt lông), Puise dye laser (sử dụng điều trị các tổn thương mạch máu)…
Laser là gì?
Laser viết tắt của chữ Light Amplification Stimulated Emission of Radiation nghĩa là khuếch đại ánh sáng bằng bức xạ cưỡng bức.
Định nghĩa laser
Các khái niệm về đặc tính của laser thường gặp:
Nhóm mang màu (chromophore) | Nhóm chức của phân tử sẽ hấp thu năng lượng bức xạ với bước sóng nhất định từ laser |
Sự đồng pha (Coherence) | Sự tương đồng về mặt không gian và thời gian của sóng ánh sáng trong chùm tia laser. |
Ly giải quang nhiệt phân đoạn (Fractional photothermalysis) | Hiệu ứng tạo ra những điểm tổn thương do nhiệt cực tạo thành vùng vi trị liệu. Vùng tổn thương thường nằm ở lớp trung bì, những vùng mô khỏe mạnh bên cạnh không bị ảnh hưởng. |
Ly giải quang nhiệt chọn lọc (Selective Photothermolysis) | Hiệu ứng tác động đặc hiệu vùng mô đích do tính chất hấp thu bước sóng ánh sáng nhất định tùy thuộc tính chất và sự hiện diện của các nhóm mang màu ở những mô khác nhau. |
Q-switch | Thiết bị quang học dùng để điều khiển sự dự trữ và phóng thích năng lượng từ buồng cộng hưởng giúp phát năng lượng dạng xung trong những khoảng thời gian từ micro giây đến nano giây thậm chí pico và femto giây. |
Cấu tạo của laser
Cấu tạo buồng cộng hưởng:
Tất cả các thiết bị laser đều được cấu tạo từ 4 thành phần chính gồm: môi trường kích hoạt laser, kính phản xạ, nguồn bơm, hệ thống phân phối.
Nguồn bơm là thành phần quan trọng trong laser nhằm tạo ra trạng thái electron kích thích và hình thành nên sự đảo ngược mật độ điện tử (chỉ tình trạng số lượng các điện tử ở mức năng lượng kích thích nhiều hơn so với các điện tử ở mức năng lượng thấp hơn). Trạng thái này có thể đạt được nhờ tác động của dòng điện, sự kích thích của một nguồn laser khác thông qua hệ kính quang học, sóng radio, ánh sáng trắng từ đèn flash, năng lượng bẻ gãy các liên kết hóa học…
Laser được sử dụng dựa trên bước sóng phát xạ, tính chất xung, độ lớn năng lượng
Hệ thống kính quang học toàn phần cho phép các photon phát xạ phản chiếu nhiều lần trong buồng cộng hưởng đến khi đạt được cường độ khuếch đại cần thiết. Sau đó, chùm photon được phép thoát khỏi buồng cộng hưởng nhà kính phản xạ một phần.
Tên gọi của laser thường được đặt theo môi trường kích hoạt laser. Laser khí gồm argon, excimer, đồng bay hơi, helium-neon, krypton và carbon dioxide.
Một trong những laser lỏng phổ biến nhất chứa chất nhuộm màu rhodamine và được sử dụng trong laser pulsed dye. Laser rắn như ruby, neodymium:yttriumaluminum-garnet (Nd: YAG), alexandrite, erbium, và diode laser. Các thiết bị laser được ứng dụng trên lâm sàng phụ thuộc vào bước sóng phát xạ, tính chất xung, độ lớn năng lượng.
Tính chất vật lý của laser
- Tính đơn sắc: chùm tia laser gồm các photon có bước sóng đồng nhất.
- Tính đồng bộ: sóng ánh sáng của các photon trong chùm tia laser có cùng tần số dao động, mật độ photon tập trung dưới dạng chùm tia hẹp, hạn chế hiện tượng nhiễu xạ chùm tia.
- Tính chuẩn trực: chùm tia gồm những photon được phát xạ theo phương song song nhau dù trên một khoảng cách truyền đi rất xa.
Tác dụng kích thích sinh học
Các đối tượng hấp thu năng lượng laser trong cơ thể bao gồm porphyrin, haemoglobin, melanin, flavin, retinol, acid nucleic, deoxyribonucleic acid (DNA), ribonucleic acid (RNA)… Sự hấp thu năng lượng này mang tính chọn lọc. Mỗi đối tượng chỉ hấp thu một khoảng bước sóng nhất định.
Khi ánh sáng laser chiếu đến mô, các photon có thể bị hấp thu hoàn toàn, có thể bị phân tán hoặc truyền qua.
Laser ảnh hưởng đến quá trình phân chia và chuyển hóa của tế bào
Với năng lượng bức xạ laser thấp, các photon ánh sáng ảnh hưởng đến quá trình phân chia và chuyển hóa của tế bào. Các cấu trúc mục tiêu tác động của laser có thể là các cytochrome oxidase (họ enzym chuyển hóa phổ biến của Các tổ chức sinh học) hay các cấu trúc có nhóm mang màu hấp thu năng lượng photon như phorphyrin, melanin, bilirubin… gây ra “dòng thác phản ứng sinh học tế bào mang tính đặc hiệu ở từng loại mô. Cụ thể như sau:
- Tăng nhân đôi tế bào và sự di cư của tế bào (đặc biệt là nguyên bào sợi).
- Thay đổi nồng độ các cytokin, các yếu tố tăng trưởng, các hoạt chất trung gian của quá trình viêm.
- Ảnh hưởng đến các chất truyền tin tế bào như: aden Osin monophosphat vòng, Cao, nitric oxid.
- Tăng khả năng hô hấp tế bào.
- Tăng quá trình làm lành vết thương, cải thiện hội chứng ống cổ tay, giảm đau,…
Tác dụng quang động (photodynamic)
Tác dụng quang động được hình thành từ phản ứng hóa học gồm 3 thành phần tham gia như sau: ánh sáng kích thích, phân tử cảm ứng, phân tử oxy. Phân tử cảm ứng hiện diện trong tế bào, hấp thu năng lượng ánh sáng và chuyển sang trạng thái kích thích. Năng lượng kích thích được chuyển đến phân tử oxy, hình thành nên oxy nguyên tử. Tác động này được ứng dụng hầu hết trong các phương pháp điều trị khối u.
Tác động quang động của laser được ứng dụng trong các phương pháp điều trị khối u
Tương tác quang nhiệt
Các cấu trúc sinh học như DNA, RNA, nhiễm sắc thể protein, enzym và nước hấp thu năng lượng phát xạ từ laser và chuyển thành dạng nhiệt năng. Tùy theo mức độ sinh nhiệt, các phản ứng sau có thể xảy ra:
- 42-42°C: diễn ra sự tăng thân nhiệt, co rút và thay đổi cấu trúc phân tử collagen.
- 50°C: giảm hoạt động enzym.
- 60°C: gây biến tính protein, đồng tụ collagen, thay đổi tính thẩm màng tế bào.
- 100°C: gây khô mô và hình thành nên các không bào.
- > 100°C: bốc hơi mô và carbon hóa mô.
- 300-1000°C: nhiệt bóc tách mô, quang bóc tách mô, quang hủy (photodisruption).
Bóc tách mô
Trạng thái bóc tách mô diễn ra khi mô có khả năng hấp thụ đặc hiệu với bước sóng laser trong khoảng thời gian phát xung ngăn. Thời gian phát xung cần ngắn hơn thời gian lan truyền nhiệt của mô.
Ví dụ: tác động bóc tách của laser Er: YAG ở bước sóng 2940 nm được ứng dụng để điều chỉnh độ sâu gây hoại tử mô mềm. Khi thiết lập hệ thống laser ở chế độ bóc tách, phản ứng đông tụ không diễn ra nên hiệu quả cầm máu kém. Chế độ thiết lập này có hiệu quả phục hồi cao, ít để lại sẹo. Tuy nhiên, với những can thiệp bề mặt, sự thiết lập hệ thống laser dưới ngưỡng bóc tách giúp cầm máu tốt do năng lượng dưới ngưỡng bóc tách được chuyển thành nhiệt, gây hiệu ứng hoại tử do nhiệt. Độ sâu lớp mô hoại tử được điều chỉnh bởi số lượng xung dưới ngưỡng bóc tách.
Phân loại các phản ứng của mô sống đối với laser
Năng lượng ánh sáng laser được hấp thu bởi mô sống và chuyển thành dạng nhiệt bởi các cấu trúc hấp thụ bước sóng đặc trưng như protein, enzym và nước trong cơ thể. Tùy theo bước sóng, cường độ, đường kính tia laser và khả năng hấp thụ đặc hiệu của mô, các hiệu ứng có thể xảy như sau:
Mô sống sẽ hấp thụ và chuyển laser thành dạng nhiệt
Quang hủy (photodiscruption)
Hệ thống laser tập trung có thời gian phát xung cực ngăn đến nano giây (10 giây), pico giây (10-12 giây) nhờ hệ thống Q-switch neodymium (Nd): YAG laser hình thành mật độ năng lượng đến 1012 W/cm2 hoặc cao hơn. Lực điện trường của quá trình phát xạ đủ mạnh để kéo electron khỏi nguyên tử hình thành thể plasma, dẫn đến hiện tượng quang hủy gây phá vỡ cấu trúc mô.
Quá trình hấp thu đa photon dẫn đến ion hóa nguyên tử. Các electron tự do nhanh chóng làm gia tăng lực điện trường, electron thứ cấp được sản sinh thông qua quá trình và chạm của sự ion hóa. Tổ hợp electron và ion được đốt nóng đến nhiệt độ 15000-20000°K và áp suất 20-60 bar (1bar = 0,987 atm), hình thành những bóng khí do hiện tượng bốc hơi nước (cavitation). Thời gian phát xung càng ngắn, mức năng lượng cần thiết để đạt được hiệu ứng quang hủy càng nhỏ, giúp giảm thiểu các tác dụng phụ trên mô sống.
Việc ứng dụng các xung laser cực ngắn (100 femto giây 100×10-12 giây) ở hệ thống laser Ti: sapphire trong phẫu thuật cắt giác mạc. Quá trình cắt bỏ mô mềm, mô cứng được thực hiện chính xác nhưng hiệu quả không cao. Vì vậy, ứng dụng của hiệu ứng đa photon tập trung chủ yếu trong các kỹ thuật kính hiển vi và chẩn đoán mô học.
Ứng dụng các loại laser tiêu biểu trong y học thẩm mỹ
Loại laser | Điều trị | Tác dụng phụ |
Carbon Dioxide Laser (CO) 10600nm | Vết nhăn da sâu
Sẹo mụn và các loại sẹo khác Vết bớt Da chảy xệ Ung thư da Mụn thịt Tổn thương da do ánh nắng Không thích hợp với sẹo giãn |
– Gây đỏ vùng da trị liệu
– Có nguy cơ gây sẹo do khả năng làm bay hơi nước ở mô, tế bào gây ra những vết rạch siêu nhỏ – Thời gian hồi phục sau trị liệu kéo dài (khoảng 2 – 3 tuần) – Đối với phụ nữ Châu Á dễ có nguy cơ tăng sắc tố. |
Erbium Laser 2940nm | – Nếp nhăn li ti
– Nếp nhăn da nhỏ đến trung bình – Các vấn đề về sắc tố da – Sẹo mụn – Nốt ruồi – Tổn thương da do ánh nắng |
– Thời gian hồi phục ngắn hơn so với Carbon Dioxide Laser (CO2) do ít gây tổn thương vùng da xung quanh nơi trị liệu
– Sưng tấy, bầm tím và hiện tượng đỏ da thường biến mất sau khoảng 2 tuần. – Những người có làn da tối màu thích hợp sử dụng các loại laser này. |
Pulse-Dye Laser (PDL) 577-595nm | – Tổn thương mạch máu
– Hiện tượng tĩnh mạch mạng nhện – Vết bớt – Bệnh đỏ da (di chứng để lại do mụn ở thời thiếu niên) – Nếp nhăn li ti xung quanh vùng mặt – Vết rạn da |
– Xuất hiện những vết bầm tím sau trị liệu nhưng sẽ biến mất
– Ít khi gây rối loạn sắc tố da |
Nd: Yag Laser 1064nm | – Triệt lông
– Tĩnh mạch mạng nhện – Các vấn đề sắc tố da – Xóa xăm – Trẻ hóa da |
– Các liệu trình trị liệu về mạch máu phải thực hiện nhiều lần |
Alexandrite Laser 755nm | – Triệt lông
– Xóa xăm – Trị liệu các mạch máu ở chân |
– Hơi đau khi trị liệu
– Bầm da xuất hiện ở 10% bệnh nhân trị liệu. |