Màu da người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là hàm lượng melanin và caroten, số lượng mạch máu ở chân bì và màu của máu trong các mao mạch đó. Màu sắc của da là do lượng sắc tố melanin trong da quy định, nhiều thì làm da đậm đen lại, ít thì làm da nhạt đi. Nhìn chung, nữ giới có ít melanin hơn nam giới. Sắc tố melanin thuộc nhóm hắc tố là một chất được sản xuất bởi các tế bào sắc tố có ở trong da. Melanin hấp thụ ánh sáng cực tím do đó có tác dụng bảo vệ cơ thể tránh tác hại của tia UV.
Màu sắc da
Melanin là yếu tố quyết định màu da ở người. Đây là chất tự nhiên được tạo ra từ những tế bào da gọi là tế bào biểu bì tạo hắc tố nằm rải rác trong da. Melanin hình thành cần có sự tác động của men tyrosinase cùng tia UV từ ánh nắng mặt trời. Melanin góp phần bảo vệ cơ thể chống lại nhiệt độ cao, các áp lực hóa học tránh không làm tổn thương các tế bào, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của tia UV cũng như các chất gây oxy hóa làn da. Cùng với đó, túi melanin là những túi chứa sắc tố, giúp vận chuyển chúng đến nơi làn da tiếp xúc với ánh nắng nhiều nhất trong khoảng thời gian đi ra năng đồng thời chúng cũng bảo vệ hạt nhân DNA khỏi tia UV. Tuy nhiên khi bị rối loạn, sắc tố melanin sẽ có nhiều hắc tố tập trung ở một vùng nhất định gây ra tình trạng màu da không đều.
Màu da không đều là tình trạng tương đối phổ biến. Các rối loạn sắc tố như tăng sắc tố có thể làm cho màu da trở nên sáng hơn hoặc sậm màu hơn hay lốm đốm ở một số vùng và có thể xảy ra ở tất cả mọi người thuộc mọi chủng tộc. Tăng sắc tố của da là một vấn đề rất phổ biến, nhiều bệnh nhân đang tìm kiếm phương pháp điều trị để cải thiện diện mạo.
Màu da không đều là tình trạng tương đối phổ biến
Tăng sắc tố là kết quả của tăng lắng đọng melanin ở da bằng cách tăng tổng hợp melanin hoặc tăng số lượng của các tế bào sắc tố. Màu sắc của sắc tố phụ thuộc vào vị trí lắng đọng melanin. Lắng đọng melanin ở biểu bì thường chuyển thành màu nâu và có màu xanh xám khi lắng đọng ở trung bì. Nếu lắng đọng hỗn hợp ở vùng biểu bì lẫn trung bì thì vùng tăng sắc tố sẽ có màu nâu xám. Khi melanin được sản xuất quá mức bởi cơ thể dẫn đến sự bất thường của sắc tố da thường gặp như:
– Đồi mồi
– Tăng sắc tố sau viêm
– Các mảng màu cafe sữa (Café-au-lait macules)
– Nám da
– Tàn nhang
Nguyên nhân gây tăng sắc tố
Tình trạng tăng sắc tố là do cơ thể sản sinh quá nhiều melanin. Sắc tố tạo màu sắc tự nhiên cho da, tóc và mắt trên những vùng da nhất định. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sản sinh dự thừa melanin, nhưng các nhân tố chính thường liên quan đến việc tiếp xúc ánh nắng, yếu tố di truyền, tuổi tác, các tác nhân ảnh hưởng nội tiết tố, tổn thương da hay viêm nhiễm.
Di truyền hoặc bẩm sinh
Gồm có:
– Hội chứng LEOPARD.
– Hội chứng Peutz- Jeghers.
– Tàn nhang.
– Các mảng màu cà phê.
– Bệnh sắc tố Becker.
– Nhiễm sắc tố đầu chi của Dohi.
– Tăng sắc tố dạng võng đầu chi của Kitamura.
Nguyên nhân dẫn đến tăng sắc tố do di truyền hoặc bẩm sinh
Yếu tố vật lý
Tiếp xúc với nắng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tăng sắc tố da vì ngay từ đầu ánh nắng mặt trời có thể kích thích sản sinh melanin. Melanin đóng vai trò như một lớp kem chống nắng cho da, bảo vệ da khỏi tia UV có hại và làm cho da trở nên rám nắng. Tuy nhiên, việc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời có thể gây rối loạn quá trình này, dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da. Khi các đốm màu xuất hiện, việc phơi nắng có thể kích thích các đốm này nhiều hơn qua việc làm cho các đốm tàn nhang, đồi mồi, vết nám hay đốm tăng sắc tố càng sẫm màu hơn.
Tiếp xúc với nắng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tăng sắc tố da
Rối loạn nội tiết
Bệnh Addison: với vết màu nâu rải rác khắp toàn thân do tăng cường sản xuất 2 hormon của tuyến yên. Mặc dù các vết sắc tố rải khắp toàn thân nhưng tập trung nhiều ở vùng bộc lộ với ánh sáng.
Tăng sắc tố do rối loạn nội tiết
Vết sắc tố trong thời kỳ mang thai: có rất nhiều phụ nữ thời kỳ mang thai thường xuất hiện là các vết sắc tố ở vùng hở như cổ, mặt, vú, vùng sinh dục ngoài, đường trắng giữa mà nguyên nhân là do nội tiết thay đổi trong thời kỳ này.
Viêm hay nhiễm khuẩn
Có thể tăng sắc tố da sau viêm cấp tính hay mạn tính, tăng sắc tố có thể đơn thuần khu trú ở lớp biểu bì, cũng có khi ở cả lớp trung bì là do đại thực bào ăn sắc tố sau đó khu trú ở trung bì nông.
Có thể tăng sắc tố do một bệnh nhiễm nấm như lang ben.
Một số nguyên nhân khác
Chúng tăng sắc tố da cũng là triệu chứng của một số bệnh chẳng hạn như bệnh tự miễn hay tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa và thiếu hụt vitamin. Tăng sắc tố da cũng có thể là tác dụng phụ của việc điều trị nội tiết tố, hóa trị, kháng sinh, thuốc trị sốt rét, thuốc chống co giật và một số dược phẩm khác. Viêm da tiếp xúc do thuốc nhuộm henne hay xăm hình cũng có thể dẫn đến bội tăng sắc tố.
Phân loại tăng sắc tố da
Một số tình trạng tăng sắc tố da thường gặp gồm có: đồi mồi, nám da, tăng sắc tố sau viêm, tàn nhang, các mảng màu cà phê…
Đồi mồi là 1 trong những biểu hiện tăng sắc tố da
Đồi mồi là các nốt màu nâu đến đen, có kích thước to nhỏ không đồng đều, xuất hiện rải rác trên da, chủ yếu là vùng cổ, mu bàn tay, hai bên mặt và ở vùng trán người bị hói đầu. Da đồi mồi thường gặp ở tuổi 50-60, nhưng đôi khi xuất hiện ngay ở tuổi trung niên. Nguyên nhân của da đồi mồi là do sự sinh sản không đều của sắc tố melanin trên da. Sự hình thành sớm hay muộn các nốt đồi mồi liên quan đến tính di truyền và tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt của từng người. Các nốt đồi mồi thường chỉ có ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, không phải là dấu hiệu của ung thư da hay một bệnh lý do nào khác.
Đồi mồi là do sự sinh sản không đều của sắc tố melanin trên da
Da đồi mồi chỉ là một trong những dấu hiệu thông bảo rằng cơ thể đang lão hóa, già nua, nhiều hoạt động sinh lý bắt đầu kém đi. Đến nay, da đồi mồi đã được khoa học tìm hiểu cặn kẽ. Giống như mọi chức năng khác của cơ thể, khi lão hóa, chức năng tuần hoàn máu giảm làm giảm khả năng hấp thu và đào thải của cơ thể. Điều này làm cho acid béo không bão hòa trong thực phẩm sau khi bị oxy hóa sẽ kết hợp với albumin, hình thành những “chất mỡ màu từ nâu đến đen” nằm lại trong tế bào. Cũng trong tình trạng lão hóa chung, tế bào bị suy giảm chức năng, không còn khả năng đào thải những hạt “chất mỡ màu sẫm này nên chúng tích lũy lại dưới da, hình thành nên những nốt đồi mồi.
Tàn nhang
Tàn nhang là những vết tròn có diện tích nhỏ thường có kích thước nhỏ từ 1-2mm, bề mặt phẳng, không có hình dạng rõ ràng có màu đồng nhất xuất hiện bất kỳ vùng nào trên da như mặt, cổ, ngực và cánh tay và thường xuất hiện khi da bị phơi nắng nhiều. Màu sắc có thể là nâu, vàng sâm hay đen hoặc thậm chí là màu đỏ với đặc điểm chung là luôn có màu sẫm hơn so với màu da xung quanh nó, số lượng từ vài chấm đến vài trăm chấm tàn nhang. Chúng không có triệu chứng và việc điều trị tình trạng này thường không cần thiết do chúng có xu hướng mờ dần trong những tháng lạnh. Về mặt thẩm mỹ, các chấm tàn nhang không mong muốn có thể được xử lý tương tự như điều trị đồi mồi (liệu pháp làm lạnh, hydroquinon, acid Azelaic, chất thay da acid glycolic và liệu pháp laser). Tàn nhang được phân biệt với sạm da ở người trẻ (2-10mm) và đốm đồi mồi (2-20mm) xuất hiện khi có tuổi.
Tàn nhang có thể mờ dần trong những tháng lạnh
Bớt có nguồn gốc từ lớp biểu bì
Các bớt màu này có kích thước 1-20cm thường hiện diện lúc sinh hoặc giai đoạn sớm trong cuộc đời. Chúng có nguồn gốc từ lớp biểu bì, biểu hiện cho sự gia tăng melanin trong các tế bào melanin và tế bào keratin nền được tìm thấy trên bất cứ phần nào của cơ thể nhưng thường ở phần thân người.
Bớt cũng là 1 biểu hiện của sự tăng sắc tố melanin
Tăng sắc tố sau viêm (PIH)
PIH là một rối loạn sắc tố mắc phải của da, là kết quả của tình trạng viêm gây ra bởi các bệnh ngoài da khác nhau hay do điều trị. Các tình trạng khác nhau có liên quan đến PIH bao gồm mụn, viêm nang lông, nhiễm khuẩn… Nó có thể là di chứng do chấn thương, do thuốc men hoặc do biến chứng từ điều trị laser.
PIH là kết quả của tình trạng viêm gây ra bởi các bệnh ngoài da khác nhau hay do điều trị
Nó xuất hiện dưới dạng các vết có hình dạng không đều ở da nâu. Chúng được tạo ra khi có tổn thương, bệnh tật hoặc nhiễm trùng gây ra phản ứng viêm trong da. Điều này dẫn đến các tế bào melanin tăng sản xuất melanin, melanin thoát ra và hiện diện trên bề mặt da. Những tình trạng này gây phá hủy lớp tế bào đáy của biểu bì dẫn đến sự tích tụ của các túi chứa melanin trong lớp trung bì trên và tồn tại ở đó một thời gian. Ngoài ra, quá trình viêm sẽ kích thích các tế bào melanin biểu bì dẫn đến tăng tổng hợp melanin. Mô bệnh học cho thấy tăng melanin ở biểu bì với các túi chứa melanin nằm ở lớp biểu bì.
PIH xảy ra với tỷ lệ như nhau ở nam và nữ nhưng phổ biến ở những người có da sẫm màu hơn. Sự phân bố của các bệnh về da xác định vị trí PIH. Các tổn thương thay đổi màu sắc từ nâu nhạt đến xanh xám và có hình dạng không đều. PIH thường vẫn tồn tại từ nhiều tháng đến nhiều năm.
Nám da
Nám da là một dạng rối loạn sắc tố đặc trưng bởi các vết tăng sắc tố màu nâu thường hiện diện trên vùng mặt. Phần lớn các trường hợp này được thấy phụ nữ, mặc dù 10% các trường hợp là nam giới. Sinh lý bệnh của nám có liên quan đến các yếu tố khác nhau như ánh nắng mặt trời, các yếu tố nội tiết tố (mang thai và thuốc tránh thai đường uống), yếu tố di truyền và các loại thuốc gây nhạy cảm với ánh sáng. Một số nguyên nhân khác như rối loạn chức năng buồng trứng bệnh tự miễn dịch tuyến giáp, bệnh gan và mỹ phẩm cũng góp phần hình thành nám da.
Nám da là 1 dạng rối loạn sắc tố
Nám da hiện diện dưới dạng các vết lớn ở má, trán, môi trên và cằm. Nó xảy ra khi nội tiết tố nữ estrogen và progesterone kích thích các tế bào melanin sản sinh quá mức lượng melanin khi tiếp xúc với ánh nắng. Do sự tham gia của các nội tiết tố nữ nên nám da thường phổ biến ở nữ nhiều hơn, đặc biệt ở thời kỳ mang thai và những người đang sử dụng thuốc ngừa thai. Tình trạng nám được gia tăng khi có sự tiếp xúc thường xuyên của da với ánh nắng mặt trời.
Nám da có thể được phân loại dựa trên vị trí của các thương tổn, mô học (nám biểu bì, trung bì, hỗn hợp) và hiện diện khi soi dưới đèn Wood (nám biểu bì, hạ bì, hỗn hợp và nám không xác định).
Việc điều trị các tình trạng da do sắc tố thường rất khó khăn do các sắc tố có thể ẩn sâu trong da và các rối loạn sắc tố có xu hướng tái diễn một cách dễ dàng khi tiếp xúc với ánh nắng.
Điều trị tăng sắc tố
Thời gian điều trị tăng sắc tố dài hay ngắn tùy thuộc vào việc áp dụng phương pháp điều trị nào và mức độ tăng sắc tố. Các phương pháp điều trị có khả năng cải thiện tình trạng tăng sản xuất melanin biểu bì, nhưng không được chứng minh tính hiệu quả cho tình trạng tăng sắc tố trung bì.
Công nghệ laser
Laser trị liệu là bước đột phá trong điều trị tăng sắc tố da. Dù rằng không phải tất cả các loại tăng sắc tố đều có đáp ứng với laser, nhưng cho đến nay, ngoài kem làm trắng da, việc điều trị tăng sắc tố da được sử dụng ngày một nhiều bằng phương pháp laser.
Trong những năm gần đây, việc sử dụng laser trong điều trị tăng sắc tố cho kết quả khả quan. Các sắc tố da có thể bị phá hủy một cách chọn lọc bằng các xung ánh sáng với bước sóng thích hợp và độ rộng của xung đủ ngắn. Cũng theo lý thuyết này, đốt nóng sắc tố da bằng tia laser có thời gian lâu hơn thời gian tỏa nhiệt, thì nhiệt sẽ lan tỏa gây ra thương tổn nhiệt cho các mô và như vậy làm tăng nguy cơ gây ra sẹo.
Laser điều trị tăng sắc tố
Ngược lại nếu sử dụng tia laser đơn sắc có độ dài của xung ngắn hơn thời gian tỏa nhiệt thì sẽ không xảy ra hiện tượng khuếch tán nhiệt, như vậy tổn thương sẽ chỉ khu trú ở thượng bì và sẽ không tạo ra sẹo. Melanin hấp thu các bước sóng cực tím, ánh sáng trắng, các sóng gần với tia cực tím cho tới bước sóng 1000nm, do vậy các bước sóng này có thể được sử dụng để ly giải mổ bằng phương pháp quang nhiệt chọn lọc. Các nhà khoa học đã biết được thời gian tỏa nhiệt của các hạt melanin là vào khoảng từ 50-500 nano giây. Vì vậy laser có bước sóng mà sắc tố melanin hấp thu mạnh và có thời gian xung dưới micro giây là an toàn và hiệu quả để điều trị các bệnh da tăng sắc tố. Các loại laser khác nhau được sử dụng để điều trị tăng sắc tố gồm có:
- Ánh sáng xanh lá: laser flashlamp-pumped pulsed dye (PDL) (510nm), laser Q-Switched Neodymium: Yttrium Aluminium Garnet (QS Nd:YAG) (532nm)
- Ánh sáng đỏ: QSRuby (694nm), QSAlexandrite (755nm)
- Hồng ngoại gần: QS Nd:YAG (1064nm)
Những laser ánh sáng xanh lá không thâm nhập sâu vào da như các laser khác do có bước sóng ngắn hơn. Chúng chỉ hiệu quả trong điều trị nám biểu bì. Bởi vì ánh sáng xanh lá được hấp thu tốt bởi oxyhaemoglobin nên bầm tím và ban xuất huyết có thể xuất hiện sau khi chiếu xa laser. Các ban xuất huyết tự phân giải trong vòng 1-2 tuần sau điều trị và các tổn thương lâm sàng giảm bớt trong vòng 4-8 tuần. Thỉnh thoảng, những vết thâm tím có thể dẫn đến tăng sắc tố sau viêm (PIH). Các laser ánh sáng xanh lá thường có đáp ứng thay đổi, do đó các đốm thử nghiệm phải được thận trọng trước khi điều trị toàn bộ khu vực. Các laser ánh sáng đỏ có bước sóng dài hơn và do đó có thể thâm nhập sâu hơn vào lớp trung bì. Chúng có thể được sử dụng để điều trị các tổn thương sắc tố biểu bì không gây ra bầm tím bởi vì chúng không bị hấp thu bởi haemoglobin.
Thời gian xung QS ruby thay đổi từ 2050ns và của laserQS Alexandrite là từ 50-100ns. Các laser hồng ngoại gần bao gồm laser QS Nd:YAG (1064nm) với thời gian xung là 10 ns. Mặc dù melanin ít hấp thu ở bước sóng này so với laser ánh sáng xanh lá và ánh sáng đỏ nhưng nó có lợi thế hơn là khả năng thâm nhập sâu hơn vào da. Ngoài ra, nó được chứng minh là hữu ích hơn trong việc điều trị các tổn thương ở những người có tông màu da tối.
Ánh sáng xung cường độ cao
Ánh sáng xung cường độ cao (IPL) không được coi là phương pháp điều trị hàng đầu của nám và PIH. Ánh sáng xung cường độ cao được điều chỉnh ở bước sóng từ 500-550nm khi được chiếu vào vùng da có sắc tố gia tăng, năng lượng ánh sáng đạt tới 16 J/cm có thể phá hủy sắc tố melanin gây ra nám. Nhờ đó da trắng ra, nám giảm rõ rệt và có thể mất đi trong một thời gian. Một liệu trình trị liệu nám bằng IPL kéo dài 6-8 lần, trong 18-24 tuần. Sắc tố sẽ đậm màu lên trong vòng vài ngày rồi nhạt dần và trắng ra. Vùng da không bị sạm dưới tác dụng trẻ hóa da của IPL cũng sẽ trở nên săn chắc, hồng hào và sáng trắng hơn. IPL thích hợp với hầu hết các trường hợp bị nám da phụ nữ châu Á, đặc biệt là những trường hợp bị tàn nhang khắp mặt do da bị tổn thương bởi ánh sáng mặt trời. IPL không loại trừ được nám sâu cũng như các loại bót Hori hay Ota.
Điều trị tăng sắc tố da bằng ánh sáng xung cường độ cao
Thay da hóa học
Thay da hóa học là phương pháp dùng các chất hóa học bôi lên da dẫn đến phá hủy có kiểm soát một phần hoặc toàn bộ lớp biểu bì, có thể có hoặc không có trung bì làm bong tróc và loại bỏ các tổn thương bề mặt. Tiếp theo đó là sự tái sinh các mô biểu bì và trung bì mới. Sử dụng các chất thay da hóa học là một phương thức hiệu quả trong điều trị tăng sắc tố. Cơ chế cơ bản của việc sử dụng các chất thay da hóa học là loại bỏ các melanin không mong muốn bằng cách gây ra tình trạng bỏng hóa học trên bề mặt da. Các chất thay da đã được chứng minh là các tác nhân hữu hiệu trong điều trị tăng sắc tố cũng như hỗ trợ cho các phương pháp điều trị tại chỗ khác.
Thay da bề mặt mất khoảng một tuần để hồi phục hoàn toàn. Vùng da điều trị sẽ bị đỏ trong vài ngày sau đó sẽ bắt đầu bong và tróc ra. Cần phải bôi kem dưỡng da dịu nhẹ trong quá trình hồi phục. Sau khi thay da sâu, trung bình, da sẽ đỏ và sưng khoảng 48 giờ. Sau đó mụn nước có thể hình thành, da đóng vảy và bong ra trong khoảng từ 7-14 ngày. Trong thời gian này, cần phải sử dụng thuốc kháng virus và tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cho đến khi da lành lại. Thay da sâu cũng yêu cầu phải sử dụng thuốc mỡ và thuốc nước hàng ngày, sử dụng thuốc kháng virus cho đến hai tuần và hoàn toàn tránh không tiếp xúc với nắng trong khoảng sáu tháng.
Thay da hóa học là phương pháp hiệu quả trong điều trị tăng sắc tố da
Phương pháp thay da hóa học thường được báo cáo trong các y văn có hiệu quả trong điều trị tăng sắc tố, điển hình như nám. Các chất thay da bề mặt như acid salicylic, dung dịch của Jessner (acid salicylic và acid lactic với resorcinol) và acid glycolic cho thấy cung cấp hiệu quả điều trị với ít rủi ro biến chứng nhất. Các chất thay da mạnh hơn nhiều so với dung dịch Jessner là sự kết hợp giữa dung dịch Jessner trong acid tricloroacetic (TCA), TCA 35% hoặc phenol gây ra phản ứng viêm nhiều hơn và có khả năng làm xấu đi đáng kể tình trạng sắc tố. Kết hợp này là sự ưu tiên của một số tác giả để hạn chế các chất thay da hóa học trong điều trị tăng sắc tố ngoại trừ acid salicylic (hoặc giảm liều các chất thay da kết hợp) do khả năng nội tại của chất này giảm phản ứng viêm, đó là lý do nó có chức năng như một chất thay da ở các tình trạng da như bệnh rosacea (chứng đỏ mặt)…
Gần đây, các chất thay da kết hợp TCA, acid retinoic, acid salicylic, phenol, và vitamin C có khả năng giải quyết một loạt các vấn đề về da như nám, sẹo, nếp nhăn, lỗ chân lông và mụn trứng cá ở tất cả các loại da do sự kết hợp nồng độ thấp của nhiều chất hoạt động gây ra ít phản ứng viêm hơn.
Công nghệ siêu mài mòn
Công nghệ siêu mài mòn được sử dụng để tái tạo lại bề mặt vùng điều trị. Sử dụng các tinh thể mài mòn tác động lên lớp sừng ở biểu bì, những kích thích của các tinh thể siêu mài mòn khiến cơ thể hiểu nhầm da đang bị tổn thương giúp khởi động cơ chế thay da mới. Trong 1 giờ đầu sau liệu trình, da có thể bị sưng và đỏ nhưng sau khoảng 2 tuần, làn da sẽ hoàn toàn hồi phục. Liệu trình có thể giúp loại bỏ sắc tố do viêm và nám.
Liệu trình điều trị bằng công nghệ siêu mài mòn để đạt được hiệu quả cao hơn khi phối hợp với các chất thay da hóa học. Điều này phụ thuộc vào độ sâu của tình trạng tăng sắc tố. Công nghệ siêu mài mòn chỉ nhắm tới lớp trên cùng của da do đó chỉ có thể loại bỏ sắc tố nằm trong lớp này. Phương pháp trị liệu không dùng hóa chất này không xâm lấn có nghĩa là không phá hủy mô da, do đó không cần thời gian hồi phục lâu và phù hợp với các tình trạng tăng sắc tố nhẹ.
Phương pháp dùng các sản phẩm chăm sóc da
Phương pháp chăm sóc da sử dụng các đơn thuốc của các bác sĩ hoặc các loại thuốc mua không cần kê đơn để ngăn chặn sự hình thành sắc tố và làm đều màu da, làm trắng các vùng da bị tối màu giúp đem lại làn da có màu tự nhiên. Có nhiều loại thuốc và sản phẩm chăm sóc da điều trị chứng tăng sắc tố dựa trên các hoạt chất có tác dụng làm giảm sản sinh melanin và giảm sự xuất hiện của các vết sậm màu và chúng thường chứa một hay nhiều thành phần sau đây:
– Hydroquinon là loại hoạt chất làm trắng da, có ở nhiều dạng chế phẩm, được xem là một trong những chất ức chế sự hình thành của melanin hiệu quả nhất. Sự cải thiện sắc tố thấy được khi dùng hydroquinon đơn trị liệu khoảng từ bốn đến sáu tuần và kết quả sẽ ổn định trong khoảng bốn tháng. Đây một hợp chất tẩy trắng da hiệu quả nhưng đã bị cấm sử dụng trong các mỹ phẩm ở hầu hết các nước ở Châu Âu vì chúng liên quan đến nguy cơ bị nhiễm độc rất cao. Tuy nhiên, chúng vẫn được dùng ở Mỹ, với tỷ lệ cao hơn (>4%) khi dùng với chỉ định của bác sĩ và tỷ lệ thấp hơn (<2%) được dùng trong các loại thuốc không cần kê đơn. Hydroquinon cũng có thể gây ra tăng sắc tố da sau viêm.
Hydroquinon là 1 trong những chất ức chế sự hình thành melanin hiệu quả
– Arbutin là nguồn gốc thiên nhiên của hydroquinon và là một trong những thành phần chính được sử dụng trong các sản phẩm làm trắng da ở châu Á. Mặc dù chúng yếu và ít hiệu quả hơn hydroquinon được chế tạo công nghiệp, nhưng rất an toàn.
Arbutin an toàn cho da
– Acid azelaic cho thấy tác động gián tiếp và làm giảm chứng tăng sắc tố da. Tuy nhiên nó hầu như không có tác dụng đối với tàn nhang và đồi mồi, đồng thời có thể gây kích ứng và sưng tấy da.
Acid azelaic làm giảm chứng tăng sắc tố da
– Acid kojic là một sản phẩm chuyển hóa của nấm, có tác động ức chế tổng hợp sắc tố melanin trong da. Hơn nữa, acid kojic cũng đã được chứng minh làm tăng đáng kể thực bào của bạch cầu đa nhân trung tính và tăng sinh tân bào, giúp cho việc “dọn dẹp” các tế bào sắc tố đen tốt hơn. Acid kojic thường được sử dụng với nồng độ 1-4%. Qua nghiên cứu, có đề xuất là thêm acid kojic 2% vào hỗn hợp hydroquinon 2%, acid glycolic 10% để điều trị tăng sắc tố da thì thấy hiệu quả tăng lên đáng kể.
Acid Kojic có tác dụng ức chế tổng hợp sắc tố melanin
– Các dẫn xuất của vitamin C đã cho thấy hiệu quả tương đối trong điều trị tăng sắc tố da. Chúng được sử dụng kết hợp với nhiều hoạt chất khác.
– Acid retinoic tương đối hiệu quả nhưng đều có thể gây tác dụng phụ bao gồm rát da và dẫn đến việc nhạy cảm với mặt trời nghiêm trọng (do đó làm trầm trọng thêm chúng tăng sắc tố da). Retinoid không phù hợp với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú vì có ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.