Bạn chớ coi thường việc tiếp nạp các loại vitamin A, vitamin C, vitamin E mỗi ngày, bởi đây là những chất thiết yếu mà làn da chúng ta cần để có thể bảo vệ da trước những tác động từ bên ngoài cũng như nuôi dưỡng làn da từ bên trong.
Vitamin A và sức khỏe làn da
Thuật ngữ retinoid chỉ vitamin A và những dẫn xuất khác có nguồn gốc vitamin A, điều biến biểu hiện gen và ảnh hưởng đến quá trình phân bào ở cả hai lớp biểu bì và trung bì, do đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe da. Các tên gọi thường dùng bao gồm: vitamin A, tretinoin, isotretinoin, alitretinoin.
Vitamin A và beta-carotene trong thức ăn được chuyển hóa bởi gan sau đó được dự trữ hoặc lưu thông. Sự hấp thu của tế bào từ huyết tương được cho là xảy ra thông qua thụ thể hoặc nhập bào. Các tế bào trong cả hai lớp biểu bì và trung bì là nơi tác động của vitamin A.
Vitamin A gây ảnh hưởng đến sức khỏe da
Thiếu hụt vitamin A
Thí nghiệm cho chuột ăn chế độ ăn thiếu hụt vitamin A ảnh hưởng đến các mô biểu bì và những bộ phận khác của cơ thể, bao gồm: hô hấp, sinh dục, hấp thu dinh dưỡng và mắt. Thiếu vitamin A dẫn đến những biểu hiện trên nhiều tuyến, bao gồm: tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn… Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy thiếu vitamin A cũng chậm làm lành những tổn thương.
Vitamin A giúp bảo vệ da tránh tác động của mặt trời
Bức xạ mặt trời (tia UV) gây tổn hại trên da thông qua nhiều cơ chế. Một trong những cơ chế ảnh hưởng là tác động đến sự chuyển hóa collagen. Tia UV sẽ tác động làm tăng sự biểu hiện gen tổng hợp một số enzym metalloproteases phân giải protein, làm giảm collagen trên da. Trong một số nghiên cứu được tiến hành trên người, việc sử dụng vitamin A có tác dụng ức chế hiệu quả việc sản sinh ra yếu tố kích thích này và do đó cũng giảm biểu hiện gen tổng hợp men phân giải collagen đến 50-80%. Chính nhờ hiệu ứng này mà retinol (hay vitamin A nói chung) có tác dụng trong việc bảo tồn collagen da và ngăn ngừa những tổn hại do mặt trời.
Retinoid có tác dụng trong việc bảo tồn collagen da và ngăn ngừa những tổn hại do tia UV
Cải thiện lão hóa da do ánh nắng mặt trời
Những dấu hiệu đầu tiên của sự lão hóa có thể là hình thành những đường nhăn, vết nhăn trên da, da có những biểu hiện khô ráp, không mềm và phẳng, rối loạn sắc tố da… Những dấu hiệu này là kết quả của quá trình tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời, gây ra những thay đổi ở biểu bì và trung bì. Dùng vitamin A tại chỗ có hiệu quả cải thiện những dấu hiệu của sự lão hóa: nhăn da, mất đàn hồi và rối loạn sắc tố. Bằng việc tác động lên collagen, vitamin A giúp hồi phục lại những rối loạn trên da. Hiệu quả của những dạng vitamin A khác nhau trong chống lão hóa đã được nghiên cứu với các tác dụng sau:
- Cải thiện những dấu hiệu thương tổn do mặt trời như: vết nhăn trên mặt, da mất độ phẳng hay rối loạn sắc tố da.
- Khi sử dụng lâu dài giúp tăng liên kết và độ dày lớp biểu bì, tăng tiết chất nhờn ở những làn da mất dầu do lão hóa, tăng tổng hợp collagen.
- Cải thiện nhăn da và sự tăng sắc tố da.
- Được sử dụng cho điều trị những trường hợp lão hóa da tự nhiên do tuổi tác, tăng số lượng nguyên bào sợi, giảm thiểu men ly giải collagen và tăng quá trình tổng hợp collagen. Ngoài ra, sử dụng retinol dùng tại chỗ còn làm tăng glycosaminglycan và procollagen I trong da, giúp đảm bảo collagen và độ đàn hồi trong da. Những biểu hiện không mong muốn khi dùng điều trị tại chỗ bao gồm: nổi mẩn đỏ, khô da, châm chích da…
Sử dụng retinoid lâu dài giúp tăng cường tổng hợp collagen
Tác dụng trong điều trị mụn
Vitamin A có tác dụng trong điều trị mụn. Dạng vitamin A dùng tại chỗ được xem là an toàn và hiệu quả trong điều trị mụn. Đường uống có thể dùng trong chữa trị các trường hợp mụn nghiêm trọng hơn. Các yếu tố sinh lý chính dẫn đến mụn bao gồm sản xuất bã nhờn tăng, làm thay đổi sự phát triển và biệt hóa của các tế bào nang sừng; sự xâm nhập của vi khuẩn dẫn đến các phản ứng viêm và miễn dịch. Những nhân tố này dẫn đến những thương tổn nguyên phát do mụn và nhân mụn.
- Dùng ngoài: ảnh hưởng đến sự tăng sinh và biệt hóa của tế bào sinh sừng, giúp loại bỏ các mụn trứng cá trưởng thành. Các tế bào sừng tự do được thải ra cùng với bã nhờn về phía bề mặt da. Các nốt sừng không thể hình thành được và do đó ngăn không cho hình thành các mụn mới.
Tác dụng phụ có thể có khi sử dụng bao gồm: đỏ da, bong tróc, khô da, ngứa, đau. Do có những ảnh hưởng trên thai nhi nên cần tránh dùng trong thai kỳ.
Một tác dụng phụ điển hình của vitamin A dùng ngoài là viêm da, cũng được hiểu là một tình trạng kích ứng hay phản ứng quá mẫn. Viêm da trong trường hợp này có đặc trưng là tình trạng đỏ da, bong tróc, khô da và ngứa. Các dạng vitamin A dùng ngoài dẫn tới những thay đổi ở lớp biểu bì và sự tăng sinh biệt hóa tế bào sừng. Điều này dần dần phá vỡ đi hàng rào bảo vệ của da và gây nên những dấu hiệu viêm da. Mức độ kích ứng tương quan với hoạt tính vitamin A sử dụng. Như vậy, thời gian, liều và dạng vitamin A có thể ảnh hưởng đến phản ứng kích ứng. Sự hấp thu qua da của vitamin A có giới hạn. Vì thế, có rất ít thành phần có hoạt tính vào được vòng tuần hoàn.
- Đường uống: rất có hiệu quả trong điều trị các trường hợp mụn nặng. Tuy nhiên, vấn đề an toàn cần được chú ý quan tâm. Hoạt chất qua được nhau thai và có thể gây ra những bất thường trong quá trình phát triển. Vì vậy loại vitamin A này chống chỉ định trước và trong thai kỳ. Thuốc đạt nồng độ ổn định trong huyết tương sau một tuần sử dụng và không tích tụ ở lớp biểu bì. Sau khi ngưng điều trị, hoạt chất được loại bỏ hoàn toàn khỏi da và huyết thanh trong vòng 2-4 tuần. Dùng đường uống có tác dụng ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn, làm giảm sự tăng sinh tế bào ưa kiềm sản xuất bã nhờn. Trong một thí nghiệm, dạng vitamin A uống này có hiệu ứng giảm tiết bã nhờn trên da.
Retinoid dùng tại chỗ và cả dạng uống điều hiệu quả trong việc điều trị mụn
Kết luận
Da là cơ quan đáp ứng chính của vitamin A và thành phần này được sử dụng rất nhiều trong điều trị những vấn đề về da khác nhau, bao gồm mụn và lão hóa do mặt trời. Dạng bôi ngoài thấm sâu vào các lớp da mà không vào được hệ tuần hoàn. Một tác dụng phụ rất phổ biến của thuốc dùng ngoài là kích ứng da hay viêm da.
Điều trị dài hạn (6 tháng) có hiệu quả lâm sàng trong giảm tổn thương do ánh sáng, nhăn da, khô ráp và tăng sắc tố. Nói chung, người ta cho rằng những cải thiện trên lâm sàng trong tổn thương do mặt trời là nhờ vào tác động đến quá trình tổng hợp collagen. Vitamin A bôi là một phương pháp an toàn và hiệu quả đối với mụn trung bình và nhẹ. Trong khi đó, đường uống lại chỉ dùng cho những trường hợp mụn nghiêm trọng và không đáp ứng với phương pháp điều trị tại chỗ. Tất cả các phương pháp này đều cần có ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Vitamin C và sức khỏe làn da
Vitamin C (acid ascorbic) là một phân tử quan trọng cho sức khỏe của da bởi các đặc tính chống oxy hóa và vai trò trong tổng hợp collagen. Vitamin C trong chế độ ăn uống và dùng ngoài có nhiều tác dụng có lợi trên các tế bào da. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin C có thể giúp ngăn ngừa và điều trị ảnh hưởng của tia UV trên da. Tuy nhiên, những tác dụng này chưa được hiểu rõ do các nghiên cứu còn giới hạn. Bài viết này thảo luận về vai trò tiềm năng và tóm tắt những kiến thức hiện tại về vitamin C.
Vitamin C có đặc tính chống oxy hóa và tổng hợp collagen
Vitamin C có tác dụng chống nắng
Vitamin C hạn chế những thiệt hại gây ra do tiếp xúc với tia UV. Hoạt động của chất này không giống như “kem chống nắng” vì nó không hấp thụ quang phổ UVA hay UVB. Thay vào đó, các hoạt động chống oxy hóa của vitamin C giúp bảo vệ chống lại thiệt hại gây ra bởi các gốc tự do. Sự gia tăng protein vận chuyển vitamin C trong tế bào sừng khi tiếp xúc với tia cực tím chứng tỏ vai trò cần thiết của loại vitamin này trên da.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy UVA là nguyên nhân gây ra sự lão hóa da và ung thư da. Tuy nhiên, việc bảo vệ tránh những tổn thương gây ra bởi UVA lại không thật hữu hiệu, không phải tất cả các loại kem chống nắng đều chứa chất chống lại UVA và nếu có thì tác dụng lại không triệt để. UVB hầu như được hấp thu hoàn toàn trên bề mặt da dày khoảng 0,1mm. Tuy nhiên, UVA lại có khả năng xuyên sâu và dễ hình thành các gốc tự do hơn so với UVB. Gốc tự do là một nhóm phân tử ở trạng thái đơn bội có khả năng phản ứng oxy hóa cao. Những gốc tự do không chỉ được hình thành bởi tia UV mà còn bởi những ảnh hưởng bên ngoài khác như: thuốc lá, thuốc trừ sâu, nhiệt độ, hóa chất…
Vitamin C là một trong những chất có khả năng bảo vệ cơ thể tránh những tác động của gốc tự do. Tuy nhiên, nồng độ của nó sẽ giảm dần trong quá trình phơi nhiễm với UV. Đây là một chất chống oxy hóa thân nước trong da. Nó không chỉ có tác dụng trung hòa những gốc tự do mà còn thúc đẩy sự tái tạo vitamin E (có tác dụng bảo vệ các thành phần lipid, màng tế bào khỏi quá trình oxy hóa).
Việc sử dụng vitamin C dùng tại chỗ riêng lẻ hoặc kết hợp với các hợp chất khác có thể tăng khả năng bảo vệ lớn hơn. Trong một nghiên cứu trên chuột, bôi vitamin C trì hoãn các tác động của tia UVB liều cao mãn tính trên da. Trong đó, những tác dụng nhìn thấy là làm giảm nếp nhăn da và sự phát triển của các khối u, giảm thiệt hại DNA gây ra do tiếp xúc với tia UVA. Kết hợp thoa vitamin C và vitamin E có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa tổn thương so với sử dụng riêng lẻ. Đặc biệt, sự kết hợp của các vitamin và chất chống oxy hóa làm giảm tác dụng ức chế miễn dịch khi tiếp xúc với tia cực tím và giảm tổn thương tế bào.
Vitamin C giúp bảo vệ chống lại thiệt hại gây ra bởi các gốc tự do
Tác dụng chống lão hóa và chống nhăn
Trong các mô hình nuôi cấy tế bào, bổ sung vitamin C có rất nhiều tác dụng hữu ích trong chống lão hóa. Cụ thể, vitamin C đã được chứng minh làm ổn định mRNA collagen, do đó làm tăng tổng hợp protein collagen cho da bị hư hỏng. Vitamin C cũng làm tăng tỷ lệ của các nguyên bào sợi, ngăn sự giảm sút thành phần này do tuổi tác. Hơn nữa, vitamin C còn kích thích sửa chữa DNA trong các nguyên bào sợi được nuôi cấy.
Nghiên cứu trên người được đánh giá thông qua quan sát sự thay đổi về độ sâu và số lượng của các nếp nhăn, vitamin C trong chế độ ăn giúp cải thiện đặc tính của da, đáng chú ý là giảm nhăn da. Việc sử dụng vitamin C đã được chứng minh có tác dụng làm giảm nếp nhăn, giảm thiệt hại sợi protein, giảm độ nhám của da và tăng cường sản xuất collagen.
Vitamin C tăng tổng hợp protein collagen cho da bị hư hỏng
Tác dụng làm lành tổn thương
Các phản ứng viêm thường làm tăng các gốc tự do tại các vị trí chấn thương và sự hiện diện của vitamin C có thể hạn chế tổn hại do gốc tự do. Sử dụng vitamin C có thể tăng cường sự tổng hợp collagen ở da. Vitamin C có vai trò bổ sung trong việc làm lành vết thương bằng cách thúc đẩy sự phân chia tế bào sừng, kích thích sự hình thành của các hàng rào biểu bì và tái thiết lập các lớp sừng.
Vitamin C có trong phương pháp điều trị răng miệng cho loét áp (loét giường), bỏng, cùng với vitamin E, kẽm và các yếu tố dinh dưỡng khác.
Làm lành tổn thương với Vitamin C
Tác dụng trên da khô
Sử dụng vitamin C trong khẩu phần có sự tương quan với giảm nguy cơ khô da. Vitamin C có thể có tác động đến sự mất nước xuyên biểu bì. Trong các mô hình nuôi cấy tế bào, bổ sung vitamin C thúc đẩy sự tổng hợp của hàng rào lipid, giúp ngăn chặn sự thoát nước, làm giảm sự nhám của da. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cho thấy vitamin C tăng mất nước khi bôi lên da. Như vậy, ảnh hưởng của vitamin C vào da khô không rõ ràng.
Vitamin C có thể có tác động đến sự mất nước xuyên biểu bì
Tác dụng khác của vitamin C
Các yếu tố từ môi trường có thể làm giảm nồng độ vitamin C trong da và dẫn đến tổn thương do gốc tự do. Hút thuốc cũng dẫn đến tăng nếp nhăn và giảm tổng hợp collagen, tương ứng với sự suy giảm nồng độ vitamin C trong huyết tương. Tuy nhiên, sự tương quan này lại không rõ ràng. Vitamin C chưa được đánh giá từ các nghiên cứu đối với những thương tổn gây ra trên da từ môi trường bên ngoài. Vitamin C có thể hữu ích đối với mụn trứng cá để giảm tổn thương viêm. Tuy nhiên, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào việc sử dụng natri ascorbyl phosphat, một dẫn xuất tổng hợp có thể được hấp thu kém qua da. Sử dụng tại chỗ cũng có thể có tác dụng làm sáng da nhẹ do làm giảm sản xuất melanin.
Tia UV làm giảm vitamin C trong da tùy thuộc cường độ và thời gian tiếp xúc. Trong nuôi cấy tế bào sừng, việc bổ sung vitamin C làm giảm ảnh hưởng của tia cực tím đến thiệt hại DNA, sự oxy hóa thành phần lipid và hạn chế giải phóng các hóa chất gây viêm. Vitamin C cũng điều hòa các tín hiệu oxy hóa – khử trong tế bào nuôi cấy và do đó làm tăng tế bào sống sau khi tiếp xúc tia UV.
Nhìn chung, nhiều số liệu nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng riêng lẻ vitamin C không đủ cung cấp chất chống oxy hóa bảo vệ chống lại tia UV. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc bổ sung bằng đường ăn uống với sự kết hợp của vitamin C và vitamin E có hiệu quả tăng chỉ số bảo vệ da và giảm đỏ da. Như vậy sự kết hợp giữa hai loại vitamin chống oxy hóa này là cần thiết để da được bảo vệ tốt hơn.
Thiếu vitamin C trên da thì sẽ ra sao?
Các triệu chứng của thiếu vitamin C xuất hiện nồng độ trong huyết tương của vitamin C dưới 10 micromolar. Chúng ta có thể ngăn ngừa sự thiếu bằng cách tiêu thụ ít nhất là 60 mg/ngày. Biểu hiện trên da: có sự suy giảm trong tổng hợp collagen, dẫn đến phá vỡ các mô liên kết và giảm độ bền mạch máu. Các triệu chứng sớm ở da bao gồm sự dày lên của lớp sừng và đốm xuất huyết dưới da. Tổn thương da gây ra bởi sự thiếu hụt vitamin C được điều trị bằng cách bổ sung lượng vitamin C đầy đủ.
Biểu hiện của thiếu Vitamin C trên da
Vitamin C dùng tại chỗ
Vitamin C là một thành phần được tìm thấy ở mức cao trong cả hai lớp biểu bì và trung bì ở da bình thường. Hàm lượng vitamin C của biểu bì cao hơn so với trung bì. Tiếp xúc quá mức với tia UV hoặc các chất ô nhiễm (khói thuốc lá và ozon) cũng có thể làm giảm hàm lượng vitamin C, Vitamin C trong da thường được vận chuyển từ máu. Bổ sung vitamin C đường uống có hiệu quả làm tăng nồng độ vitamin C trong da. Tuy nhiên, khi nồng độ trong huyết tương được bão hòa, nồng độ vitamin C trong da không còn tăng nữa. Cơ thể người không thể tự tổng hợp được vitamin C mà phải lấy từ thức ăn và chịu sự tác động của các cơ chế đưa chất này đến da.
Do đó, việc đưa vitamin C đến da cũng bị giới hạn. Vitamin C có thể được cung cấp cho da thông qua đường dùng ngoài. Các lớp sừng là trở ngại chính cho hiệu quả hấp thu. Có thể loại bỏ các lớp sừng bằng laser, hóa chất hoặc các phương pháp cơ học tăng cường hấp thu. Sự hấp thu vitamin C qua da còn phụ thuộc rất nhiều vào nồng độ pH. Các chế phẩm có độ pH dưới 4,0 giúp duy trì cấu trúc và tăng lượng di chuyển qua da. Sự ổn định của vitamin C trong các sản phẩm dùng tại chỗ là một mối quan tâm bởi đây là một chất kém bền vững. Sự tiếp xúc với không khí, nhiệt độ, ánh sáng có thể gây phân hủy từ từ vitamin C.
Kết luận
Vitamin C là một phần thiết yếu trong việc đảm bảo sức khỏe của da bởi tác dụng chống oxy hóa và là một yếu tố quan trọng để tổng hợp collagen. Vitamin C góp phần bảo vệ và giảm những thiệt hại do tia UV gây ra, nó cần thiết cho việc làm lành vết thương trên da. Bổ sung vitamin C đường ăn uống có thể giúp ngăn ngừa thiệt hại do tia UV, đặc biệt là khi kết hợp với vitamin E. Thức ăn bổ sung vitamin C cũng có thể cung cấp khả năng bảo vệ, nhưng mức độ của tác dụng bảo vệ cần được nghiên cứu thêm.
Sử dụng ngoài da là một cách làm hiệu quả để cung cấp vitamin C cho da. Mặc dù không nhất quán trong các nghiên cứu nhưng nhiều dữ liệu cho thấy rằng vitamin C có hiệu quả nhất trong việc bảo vệ chống lại thiệt hại gây ra bởi tia UV và cũng có ích trong điều trị. lão hóa và nhăn da. Cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa về tác dụng của vitamin C trên da khô và sự hỗ trợ làm lành vết thương. Các tác dụng lớn nhất của việc bổ sung chất dinh dưỡng khác như vitamin E và kẽm.
Vitamin E và sức khỏe làn da
Hầu hết các sản phẩm vitamin E đều ở dạng lỏng. Vitamin E có thể thu được bằng hai cách: hóa tổng hợp trong phòng thí nghiệm hoặc từ các loại thực phẩm giàu vitamin E dưới dạng dầu vitamin E. Do có tính chất nhớt, dính cao và có thể có mùi khó chịu nên vitamin E thu được cần được bổ sung thêm một số thành phần khác (chủ yếu là tự nhiên) để tạo thành sản phẩm có thể sử dụng cho da. Một số nguồn giàu vitamin E: dầu đậu nành, dầu dừa, dầu ô liu, dầu hạnh nhân…
Vitamin E thường ở dạng lỏng
STT | Nguồn vitamin E | Hàm lượng
(mg vitamin E/100g dầu) |
1 | Dầu mầm lúa mạch | 150 |
2 | Dầu hướng dương | 41 |
3 | Dầu hạnh nhân | 39 |
4 | Dầu cám gạo | 32 |
5 | Dầu hạt nho | 29 |
6 | Dầu phộng | 16 |
7 | Dầu cọ | 15 |
8 | Dầu oliu | 14 |
9 | Dầu đậu nành | 12 |
Tác dụng của vitamin E trên da
Theo thời gian, làn da mất dần các yếu tố bảo vệ để chống lại các tác động tích lũy từ bên ngoài như tia UV, hóa chất ô nhiễm. Trong đó, gốc tự do được tạo ra trong những hoạt động của các tế bào cũng tích lũy và gây ra những thiệt hại nhất định.
Trong tự nhiên, có nhiều hoạt chất đã được khoa học chứng minh có thể hỗ trợ trong bảo vệ và thậm chí giúp đảo ngược các dấu hiệu của làn da lão hóa như nếp nhăn và nám da. Trong số đó, vitamin E là một ví dụ điển hình.
Tác dụng chống oxy hóa
Bảo vệ màng tế bào, các enzym hoạt động và DNA khỏi sự tổn hại bởi gốc tự do là một trong những chức năng chính của vitamin E. Các chất béo trong màng tế bào da đặc biệt nhạy cảm với cả các yếu tố bên trong và bên ngoài bao gồm tiếp xúc với tia UV, Ozon và các hóa chất gây ô nhiễm. Để bảo vệ bản thân, da cũng có chứa một hàm lượng nhất định vitamin E tích trữ, hạn chế những thiệt hại trên da.
Vitamin E là một chất chống oxy hóa tan trong lipid, dễ dàng thâm nhập vào màng tế bào da và tích tụ ở đó để bảo vệ chống lại quá trình oxy hóa lipid. Thông thường, khi một phân tử chất chống oxy hóa bị trung hòa bởi gốc tự do thì nó cũng mất hoạt tính. Nhưng vitamin E lại có một đặc tính vượt trội hơn khi phối hợp với hai chất chống oxy hóa khác là vitamin C và acid alpha lipoic cho phép vitamin E hồi phục hoạt tính và tiếp tục bảo vệ da.
Vitamin E bảo vệ màng tế bào, các enzym hoạt động và DNA khỏi sự tổn hại bởi gốc tự do
Chống lão hóa tự nhiên
Quá trình lão hóa da có liên quan đến sự phá hủy gây ra bởi các gốc tự do theo thời gian. Mặc dù có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng, da nhăn phần lớn là kết quả của việc tiếp xúc với tia UV lâu dài. Tia UV từ ánh nắng mặt trời làm tăng hình thành các gốc tự do. Chính quá trình này làm phá vỡ collagen và sự toàn vẹn cấu trúc da. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm thấy rằng vitamin E tự nhiên trong cơ thể có thể điều chỉnh các tín hiệu gen nhất định trong da giúp ngăn chặn những thiệt hại thường thấy sau khi bị chiếu UVB.
Hoạt động chống oxy hóa và bảo vệ chống tổn thương do mặt trời không phải là lợi ích duy nhất mà vitamin E cung cấp. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng loại vitamin này làm chậm sự sản xuất melanin (sắc tố da chịu trách nhiệm đồi mồi, tàn nhang, sạm da) thông qua ức chế hoạt động của một loại enzym gọi là tyrosinase. So với chất làm sáng da khác như acid kojic, arbutin và natri lactat, vitamin E thấm sâu hơn, cung cấp các thành phần hoạt động một cách có kiểm soát, liên tục, rất an toàn và hiệu quả.
Vitamin E làm chậm sự sản xuất melanin
Giữ da mềm mại và mượt mà
Da có một lớp dầu không thấm nước giúp giữ ẩm và ngăn chặn sự bốc hơi và mất nước. Tuy nhiên, quá trình lão hóa tự nhiên và ảnh hưởng từ môi trường có thể làm hàng rào bảo vệ này bị phá vỡ, làm da mất đi độ ẩm cần thiết và trở nên khô. Vitamin E đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng hàng rào. Vitamin E làm tăng cường thâm nhập và tái hấp thu lipid. Gộp chung lại, những yếu tố này hỗ trợ khôi phục và duy trì chức năng rào cản. Vitamin E là một chất giữ ẩm tuyệt vời giúp giữ cho làn da khỏe mạnh và mềm mại. Điều này có giá trị như một ổ khóa độ ẩm vào da và ngăn ngừa mất nước.
Vitamin E tăng cường thâm nhập và tái hấp thu lipid
Hoạt tính dưỡng ẩm
Vitamin E là một chất giữ ẩm tuyệt vời. Vitamin E trong dầu dừa được xem là một loại kem dưỡng ẩm khá nổi tiếng. Thói quen chăm sóc da hàng ngày với vitamin E có thể giúp làn da mượt mà và nhẹ nhàng. Vitamin E cũng có thể giúp điều hòa hoạt động của tuyến dầu trên da, giúp da kiểm soát được lượng dầu thừa và không gây bít tắc lỗ chân lông. Ở những người da thường xuyên bị khô, đặc biệt vào những tháng mùa đông, vitamin E có hiệu quả trong việc làm giảm khô và bong tróc. Người ta có thể bôi vitamin E vào các khu vực khô để tiến hành trị liệu. Nồng độ vitamin E trong da có thể tăng lên và phát huy tác dụng dưỡng ẩm, khắc phục được làn da khô, thô ráp.
Vitamin E là một chất giữ ẩm tuyệt vời
Tác dụng khác của vitamin E
- Chống rạn da: vitamin E rất tốt trong điều trị giảm bớt vết rạn da. Trong thực tế, vết rạn da là một loại sẹo do rách da trong lớp trung bì. Điều này xảy ra vì sức căng da ở lớp trung bì. Vitamin E thẩm thấu xuống lớp này (lớp thứ hai của da bên dưới lớp biểu bì) và bắt đầu hàn gắn những vết sẹo.
- Chữa cháy nắng: vitamin E có thể giúp làm giảm nhẹ cháy nắng. Tuy không hiệu quả như gel lô hội, nhưng nó sẽ giúp ích phần nào trong điều trị.
Kết luận
Vitamin E tự nhiên là thành phần vitamin tan trong dầu rất quan trọng, có hoạt tính chống oxy hóa được tìm thấy nhiều trong huyết tương, màng tế bào và mô cơ thể. Cũng như vitamin C, vitamin E được cung cấp thông qua chế độ ăn. Rau xanh, dầu thực vật, các loại hạt, ngũ cốc, thịt là nguồn cung cấp vitamin E dồi dào. Vitamin E được tiết ra bởi tuyến nhờn và tồn tại nhiều ở lớp đáy của biểu bì. Vì lớp biểu bì có chức năng bảo vệ làn da, là bộ phận tiếp xúc trước tiên với những tác nhân oxy hóa, ánh nắng, ô nhiễm nên vitamin E nhanh chóng bị tiêu hao nhưng không nhanh như vitamin C. Nồng độ vitamin E ở làn da lão hóa thấp hơn rất nhiều so với da bình thường. Vì vậy việc sử dụng vitamin E đường thoa khá hữu hiệu trong việc phòng chống lão hóa da. Do cấu trúc thân dầu nên việc bào chế dạng kem thoa cho vitamin E tương đối thuận lợi.