Dù là từ một chấn thương, phẫu thuật hay một vấn đề về da như mụn trứng cá, mụn bọc… sẹo đều có thể hình thành và hầu hết trong chúng ta ai cũng sẽ phải đối mặt với nó tại một thời điểm nào đó trong đời. Mặc dù sẹo làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, nhưng nó lại là một ví dụ điển hình cho khả năng tự chữa lành vết thương tuyệt vời của da. Các vết sẹo có thể lõm sâu, bằng phẳng hoặc lồi lên, có màu sắc khác nhau từ trắng bệt đến đỏ hay thâm đen. Trước khi tìm hiểu cách làm thế nào để điều trị sẹo, chúng ta cần phân biệt được các loại sẹo, hiểu sơ bộ quá trình hình thành sẹo cũng như cách chăm sóc da lúc bị thương để phòng ngừa chúng.
Sẹo hình thành như thế nào?
Các vết sẹo trên bề mặt da là kết quả của một quá trình phức tạp mà da đã trải qua để tự chữa lành vết thương, trong đó có việc kích thích sản sinh collagen. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình làm lành vết thương, và cách mà nó lành lại sẽ quyết định vết sẹo trông như thế nào sau này. Sự làm lành vết thương và hình thành sẹo rất đa dạng và khác nhau tùy theo cơ địa của mỗi người, tuy nhiên nó cũng phụ thuộc khá nhiều vào cách chăm sóc vết thương trước khi vết sẹo đã hình thành hoàn tất.
Sẹo là kết quả của sự chữa lành vết thương
Một vết sẹo được hình thành khi da trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Tổn thương và sưng tấy: Khu vực tổn thương tập trung nhiều vi khuẩn, bạch cầu và hồng cầu. Khu vực tổn thương mất đi các cấu trúc da thông thường như nang lông, Cơ dựng lông, tuyến dầu, tuyến mồ hôi, collagen và elastin.
- Giai đoạn 2: Hình thành mô mới: Miệng vết thương đóng vảy, các mô da mới, đặc biệt là mạch máu, collagen và mô hạt được hình thành để thay thế các cấu trúc đã bị tổn thương và mất đi. Quá trình hình thành mô mới diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố:
– Kích cỡ và độ sâu của vết thương.
– Lượng oxy và dưỡng chất được cung cấp cho vùng bị tổn thương.
– Độ tuổi, sức khỏe và độ khỏe của làn da.
- Giai đoạn 3: Tái kết cấu bề mặt da: Quá trình sinh mới và sắp xếp bất bình thường của các sợi collagen gây hình thành sẹo lồi hoặc sẹo lõm. Bề mặt vùng tổn thương trước đây cứng hơn và có thể cao hơn hoặc thấp hơn bề mặt da xung quanh. Các cấu trúc khác như nang lông, cơ dựng lông, tuyến dầu và tuyến mồ hôi biến mất hoàn toàn.
Có 2 loại sẹo thường gặp:
Sẹo lồi
Sẹo lồi là kết quả của sự phát triển quá mức của mô khi collagen được sản sinh quá nhiều tại vùng vết thương, cứ như thể vết sẹo không ngừng lớn dần lên, thậm chí sau khi vết thương đã lành hẳn.
Sẹo lồi là kết quả của sự phát triển quá mức của mô
Sẹo lồi thường có các đặc điểm:
- Nhộ cao lên khỏi bề mặt da.
- Có thể gây ngứa.
- Có thể gây đau.
- Có thể lớn hơn nhiều so với vết thương ban đầu.
- Có thể gây cảm giác bỏng rát và khá đau khi chạm vào.
- Có thể gây khó khăn cho việc cử động nếu sẹo gây căng da và nằm gần sát các khớp.
- Không mọc lông và thường khá bóng.
- Hơi cứng và có cấu trúc co giãn như cao su, tuy nhiên có một số vết sẹo lồi phát triển thành cục u mềm (giống như cục u trên tai sau khi xỏ khuyên).
Các vùng cơ thể có khả năng hình thành sẹo lồi cao:
- Khu vực xung quanh xương ức
- Phần trên cánh tay và vai
- Lưng trên
- Thùy tại
Sẹo lõm (rỗ)
Các vết sẹo loại này thường là hậu quả của một số vấn đề về da như mụn trứng cá và thủy đậu. Chúng cũng có thể là hậu quả sau chấn thương gây mất một số chất béo cơ bản.
Sẹo lõm là hậu quả của một số vấn đề về da như mụn trứng cá và thủy đậu
Chăm sóc vết thương để hạn chế sự hình thành sẹo
Tất cả những tác động đến vết thương từ những ngày đầu tiên, giai đoạn sau khi vảy hình thành cho đến khi miếng vảy cuối cùng tróc khỏi da đều ảnh hưởng đến hình thù của vết sẹo sau đó.
Có nhiều mẹo khá đơn giản để giúp giảm thiểu sẹo. Mặc dù có khá nhiều thông tin về một số thành phần (chẳng hạn như vitamin E) giúp giảm sẹo, nhưng hầu hết chúng đều không được các nghiên cứu chứng minh và có thể việc sử dụng chúng chỉ gây lãng phí thời gian thay vì tận dụng thời gian đó để áp dụng các biện pháp khác hiệu quả hơn. Dưới đây là một số cách chăm sóc vết thương để giảm thiểu sự hình thành sẹo:
– Cho các vết thương “thở” càng nhiều càng tốt. Không lấp vết thương bằng các loại kem, dầu hoặc vitamin E (từ các chế phẩm viên nang) vì cấu trúc của các thành phần này có thể cản trở việc chữa lành vết thương trong giai đoạn đầu khi nó đang cố gắng tự làm lành bằng các cơ chế của riêng mình. Các dịch lỏng xuất hiện tại vùng vết thương trong những ngày đầu tiên là có lợi cho quá trình làm lành.
– Không ngâm vết thương trong nước hoặc để nó bị ướt trong thời gian dài, bởi vì như vậy sẽ phá vỡ các vảy khô và làm yếu đi sự hình thành các tế bào da mới bên dưới.
– Rửa vết thương với dung dịch thích hợp, không chà xát và làm sạch quá mức. Nên sử dụng các dung dịch sát trùng thông thường như iod, oxy già… để phòng ngừa nhiễm trùng vết thương.
Cách chăm sóc vết thương
– Sau khi rửa xong, băng vết thương lại bằng loại băng mỏng và xốp, đảm bảo vết thương vẫn có thể “thở” tốt.
– Sau 1 đến 2 ngày, có thể bôi một lớp mỏng các sản phẩm dưỡng ẩm tỷ trọng thấp hay các loại serum có chứa các thành phần chống oxy hóa và chống lão hóa da để hỗ trợ quá trình làm lành vết thương đồng thời giúp cho các tế bào da bên dưới phát triển tốt hơn.
– Cần tránh nắng thường xuyên để bảo vệ vết thương, tuy nhiên nên hạn chế sử dụng các sản phẩm chống nắng, chủ yếu tránh nắng tự nhiên. Ánh nắng mặt trời sẽ khiến cho sẹo tiến triển nặng hơn và kích thích sản sinh sắc tố da thúc đẩy hình thành sẹo thâm. Tránh nắng là một việc quan trọng cần tuân thủ.
– Thay bằng vào ban đêm, nếu vết thương khô hoặc ngứa thì có thể bôi một lớp mỏng các loại kem và serum đã đề cập bên trên. Vết thương được cung cấp nước đầy đủ sẽ làm lành tốt hơn. Kem dưỡng ẩm tỷ trọng thấp còn có thể giúp đỡ ngứa hơn khi hình thành vảy mà vẫn không cản trở sự hô hấp của da.
– Khi các mảng vảy hình thành, tránh động chạm hay tác động gì vào chúng. Đặc biệt việc gỡ đi các mảng này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển của lớp tế bào mới bên dưới (vốn cần lớp vảy bảo vệ) và có thể tăng nguy cơ gây ra sẹo do sự phát triển không ổn định của lớp tế bào này.
– Không gây kích ứng da vùng vết thương. Phản ứng tự nhiên của cơ thể sẽ gây viêm tại các vùng này, vì vậy bất cứ tác nhân nào gây kích ứng da đều sẽ làm cho tình trạng sẹo trở nên tồi tệ hơn. Tránh sử dụng các loại xà phòng nhiều bọt (làm khô da quá mức), các sản phẩm chứa nồng độ cao các chất tạo mùi (dù là tự nhiên hay nhân tạo, hương thơm vẫn là một tác nhân có khả năng gây kích ứng da cao), rượu, bạc hà, tinh dầu bạc hà, đinh hương, long não… những thành phần này sẽ làm tăng nguy cơ kích ứng da từ đó khiến cho việc ngừa sẹo trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Một số phương pháp điều trị sẹo lồi
Mặc dù các vết sẹo lồi thường không thể được chữa khỏi hoàn toàn nhưng chúng ta có thể cải thiện, làm chúng mờ đi và khó nhìn thấy hơn một cách đáng kể. Hiện nay trong ngành thẩm mỹ có khá nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi, tuy nhiên vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh và đánh giá hiệu quả của từng phương pháp. Dưới đây là một số phương pháp thường hay được sử dụng trong điều trị:
Tiêm corticoid điều trị sẹo
Phương pháp này được sử dụng để điều trị một số loại sẹo lồi và sẹo phì đại. Nhiều liều nhỏ được tiêm vào trong vết sẹo để giảm sưng (viêm) và để làm phẳng sẹo. Tùy thuộc vào đặc điểm của từng vết sẹo mà việc tiêm này có thể cần phải lặp lại. Thông thường thì thực hiện 3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 4-6 tuần để đánh giá đáp ứng của cơ thể. Nếu vết sẹo có dấu hiệu được cải thiện tốt thì việc điều trị có thể kéo dài trong vài tháng. Phương pháp này không thể giúp loại bỏ hoàn toàn được các vết sẹo, nó chỉ giúp làm xẹp sẹo một phần nhất định.
Phương pháp tiêm Cortinoid dùng trong điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại
Mesotherapy (liệu pháp tiêm chích)
Phương pháp này đã và đang được sử dụng rộng rãi Châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới để giải quyết các vấn đề về da trong đó đặc biệt sử dụng nhiều để điều trị sẹo lồi. Thiết bị gồm vô số các đầu kim siêu nhỏ, ngắn và mỏng tạo các đường dẫn đưa thuốc trực tiếp vào sâu trong lớp trung bì để phát huy tác dụng. Các sản phẩm tri sẹo sẽ theo các đường dẫn do máy phi kim tạo ra, xâm nhập trực tiếp sâu vào các vết sẹo lồi và tiến hành phá hủy các vết sẹo này một cách hiệu quả nhất.
Liệu pháp tiêm chích được sử dụng rộng rãi để trị sẹo lồi
Gel hoặc miếng silicon
Gel hoặc miếng silicon có bán sẵn ở một số nhà thuốc. Chúng được dùng để làm lành da (không dùng đối với những vết thương hở) nhằm giảm sưng đỏ và giúp hạn chế tối đa các vết sẹo lồi và sẹo phì đại.
Gel trị sẹo giảm sưng đỏ và giúp hạn chế tối đa các vết sẹo lồi và sẹo phì đại
Để có hiệu quả tốt, gel hoặc miếng silicon nên được bồi hoặc đắp lên da 2 giờ một ngày trong ít nhất ba tháng. Có thể hỏi ý kiến của bác sĩ da liễu hoặc các chuyên gia thẩm mỹ để được tư vấn nhiều hơn về các phương pháp điều trị sẹo bằng silicon.
Tiêm interferon điều trị sẹo
Interferon là các protein được sản xuất bởi hệ miễn dịch của cơ thể có khả năng chống lại virus, vi khuẩn và một số tác nhân gây hại khác. Trong các nghiên cứu gần đây, tiêm interferon cho thấy khá nhiều triển vọng trong việc làm giảm kích thước của sẹo lồi dù chưa chắc chắn về độ bền lâu của kết quả. Nghiên cứu hiện tại đã chuyển sang một hướng khác, thay vì tiêm trực tiếp interferon, người ta sử dụng Imiquimod (Aldara) dạng bôi để kích thích cơ thể sản xuất interferon.
Interferon làm giảm kích thước của sẹo lồi
Phẫu thuật
Phẫu thuật đôi khi có thể cải thiện được đáng kể các vết sẹo vì nó có khả năng thay đổi vị trí, hình dạng và độ rộng của vết sẹo. Bên cạnh đó, phẫu thuật còn có thể làm giãn ra các vết sẹo co chặt gần vị trí các khớp để giảm bớt khó khăn trong việc cử động.
Tuy nhiên, nên biết rằng dùng phương pháp phẫu thuật để xử lý một vết sẹo sẽ để lại một vết sẹo khác và có khi phải cần thời gian đến 2 năm để làm mờ nó. Nếu phẫu thuật được dùng cho các vết sẹo phì đại thì có nguy cơ tình trạng sẹo sẽ tồi tệ hơn sau đó.
Phẫu thuật độc lập không nên chỉ định cho sẹo lồi vì nó có xu hướng sẽ phát triển lớn hơn sau đó. Phẫu thuật điều trị sẹo lồi thường được kết hợp với tiêm corticoid ngay tại vị trí vết sẹo được loại bỏ sau phẫu thuật. Một số bác sĩ thẩm mỹ cũng kết hợp thêm các phương pháp khác chẳng hạn như liệu pháp chiếu tia X hay cho uống thêm kháng sinh để giảm thiểu khả năng tái phát của các vết sẹo lồi sau khi đã được loại bỏ bằng phẫu thuật.
Băng áp suất trị sẹo
Mục đích của băng áp suất là làm phẳng và mềm hơn các vết sẹo. Chúng thường được sử dụng nhiều nhất cho các vết sẹo bỏng hoặc sau khi phẫu thuật ghép da.
Băng áp suất khi sử dụng cần có sự giám sát của người có chuyên môn
Băng áp suất thường được làm từ các loại vật liệu đàn hồi co giãn, được đắp lên vết sẹo 24/24 giờ trong khoảng 6-12 tháng. Gel hoặc miếng silicon cũng có thể được kết hợp để cải thiện vết sẹo trong một thời gian dài.
Trang điểm
Một số loại mỹ phẩm khi trang điểm có thể giúp che phủ các vết sẹo và đặc biệt hiệu quả đối với các vết sẹo trên khuôn mặt. Trong đó một số loại được bào chế không thấm nước có thể duy trì trên da trong 2 đến 3 ngày.
Trang điểm cũng có thể giúp che sẹo
Các loại mỹ phẩm được thiết kế đặc biệt để che đi các vết sẹo có bán sẵn tại các nhà thuốc. Lưu ý rằng việc thử nghiệm sự tương thích màu của mỹ phẩm với da mất khá nhiều thời gian, đôi khi gần cả một giờ và chỉ nên áp dụng với những người có điều kiện.
Laser trị sẹo
Liệu pháp laser hay liệu pháp ánh sáng có thể giúp giảm đỏ trong các vết sẹo bằng cách tấn công vào các mạch máu trong các mô sẹo dư thừa. Đối với sẹo rỗ thì liệu pháp này được sử dụng để làm phẳng sẹo, tia laser sẽ loại bỏ các lớp trên cùng của da đồng thời kích thích sự sản sinh collagen ở các lớp bên dưới.
Liệu pháp laser được sử dụng để làm phẳng sẹo
Tuy nhiên, vẫn còn rất ít các nghiên cứu dài hạn chứng minh sự hiệu quả cũng như tính an toàn của phương pháp này. Nếu điều trị bằng phương pháp này, cần chắc chắn rằng người thực hiện phải là các nhân viên y tế hoặc các chuyên gia được đào tạo đầy đủ về phương pháp laser.
Xạ trị
Ở liều thấp, xạ trị có thể giúp giảm tỷ lệ tái phát của các vết sẹo lồi và sẹo phì đại sau phẫu thuật. Tỷ lệ thành công của nó khoảng 70% trong số tất cả các trường hợp. Tuy nhiên do các tác dụng phụ lâu dài, phương pháp này thường chỉ được chỉ định cho các trường hợp thực sự nghiêm trọng.
Xạ trị chỉ dùng trong các trường hợp cực kỳ nghiêm trọng
Mỹ phẩm
Thực tế vitamin E thường được nhiều người sử dụng để cải thiện các vết sẹo của mình mặc dù vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy nó có tác dụng trong việc này. Tuy nhiên, việc sử dụng nó hay một số sản phẩm dưỡng ẩm khác sẽ giúp cho da nơi vết sẹo không bị khô và có thể cải thiện độ đàn hồi của chúng. Bên cạnh đó, các vết sẹo thường cũng rất nhạy cảm với ánh nắng, chúng dễ dàng tăng sinh sắc tố mạnh từ đó bị thâm sạm gây mất thẩm mỹ, do vậy việc sử dụng các sản phẩm chống nắng để bảo vệ các vết sẹo cũng thực sự cần thiết.
Sẹo mụn lõm và phương pháp trị sẹo
Hầu hết các tình trạng sẹo lõm đều là hậu quả của mụn viêm. Mụn viêm có thể hình thành và phát triển ở nhiều hình thức khác nhau từ nhẹ đến rất nặng và trong hầu hết các trường hợp chúng đều để lại sẹo nếu không được điều trị đúng cách. Ngoài ra, tất cả những trường hợp có tiền sử từng bị mụn trứng cá (dù có thể không để lại sẹo sau điều trị trước đó) đều có nguy cơ dễ hình thành sẹo mụn sau này. Các yếu tố về độ nhạy cảm của da, cơ địa, vùng da bị mụn… đều sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng hình thành cũng như mức độ nghiêm trọng của sẹo.
Phân loại sẹo mụn lõm
Có khá nhiều loại sẹo mụn lõm khác nhau và việc phân biệt được các loại sẹo này thực sự quan trọng để có hướng tiếp cận và điều trị sẹo đúng đắn. Cho đến nay, sẹo mụn lõm có thể được chia thành 3 loại:
Sẹo đáy nhọn (ice pick): những vết sẹo rất sâu và hẹp với đường viền khá sắc nét. Nó nằm sâu đến lớp trung bì và làn da trông giống như đã bị tổn thương bởi một vật sắc bén, chẳng hạn như một mảnh băng (ice pick). Chúng có thể trông giống lỗ chân lông nở rộng. | |
Sẹo đáy vuông (boxcar): các mảng trùng với đường biên dốc và rõ ràng, diện tích rộng hơn sẹo đáy nhọn | |
Sẹo đáy tròn (rolling): sẹo đáy tròn biểu hiện trên da như những vùng trũng lượn sóng mà không có đường viên rõ ràng. |
Hiện tại trong ngành thẩm mỹ có rất nhiều phương pháp điều trị sẹo lõm khác nhau mang lại các kết quả đáng kể, tuy nhiên các vết sẹo chỉ thực sự được cải thiện tốt nếu được xác định đúng loại và lựa chọn liệu pháp tương ứng thích hợp. Sẹo đáy tròn và sẹo đáy vuông đáp ứng khá tốt với các liệu pháp lăn kim kết hợp tế bào gốc, phẫu tách dưới da (subcision), laser… trong khi sẹo đáy nhọn tỏ ra gần như hoàn toàn không đáp ứng với các liệu pháp trên, thay vào đó đạt hiệu quả khá cao với phương pháp chấm tăng trưởng vi điểm CROSS. Hơn nữa, làn da của mỗi người có cấu trúc khác nhau nên việc điều trị không thể như nhau mà phải tùy theo từng trường hợp và cần có sự tư vấn của các chuyên gia.
Điều trị sẹo mụn lõm bằng cách sử dụng chất làm đầy (filler)
Chất làm đầy mô mềm có thể được sử dụng để cải thiện các vùng sẹo lõm trên da. Tuy nhiên, kết quả thường chỉ mang tính tạm thời và việc kết hợp bổ sung thêm các phương pháp khác là cần thiết. Một thành phần khá hứa hẹn là các sản phẩm máu (huyết tương giàu tiểu cầu) và các tế bào chất béo của người.
Sử dụng chất làm đầy filler để điều trị sẹo
Để đảm bảo tính an toàn và tương thích, các sản phẩm này thường được lấy từ chính cơ thể bệnh nhân để phục vụ cho việc điều trị. Chúng được tiêm vào trực tiếp hoặc thông qua đường dẫn sau khi lỗ trống bên dưới vết sẹo được tạo ra bằng kỹ thuật subcision (đây là kỹ thuật dùng để phá vỡ cấu trúc bên dưới vết sẹo bằng dao hoặc kim rất nhỏ). Sau đó, chúng sẽ tạo nên một mạng lưới để các tế bào gốc bám vào, tăng trưởng và phát triển từ đó hình thành các bó sợi collagen mới giúp lấp đầy lỗ trống bên dưới vết sẹo đồng thời giúp cho bề mặt da trở nên mượt mà hơn.
Tái cấu trúc bề mặt da
– Lăn kim: một phương pháp đã được sử dụng nhiều năm trên thế giới với hiệu quả đã được nhiều nghiên cứu lâm sàng chứng minh. Lăn kim giúp cho mỹ phẩm điều trị sẹo thấm sâu vào da gấp 20-400 lần so với thoa bình thường. Bên cạnh đó, đầu kim sẽ tạo các “vết thương giả” rất nhỏ để kích thích cơ chế tự làm lành của da, từ đó thúc đẩy tăng sinh collagen và tái tạo làn da một cách mạnh mẽ, giúp cho quá trình làm đầy sẹo lõm trở nên thuận lợi và nhanh chóng.
Lăn kim trị sẹo
– Laser Fractional CO2: trong phương pháp này, tia laser sẽ mang năng lượng đi xuyên qua da để cắt bỏ bề mặt của vết sẹo đồng thời kích thích việc sản sinh collagen bên trong da. Kết quả thường sẽ được nhận thấy nhanh chóng, tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu sẽ cần khoảng vài tháng sau điều trị để collagen trong da có thời gian tăng sinh và tái tạo giúp phục hồi các vùng da sẹo đã bị tổn thương. Các kết quả mà laser fractional CO, mang lại là vĩnh viễn, những cải thiện trên da đã đạt được sẽ không mất đi theo thời gian. Do vậy, việc phòng ngừa mụn trứng cá sau khi kết thúc điều trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa sự trở lại của sẹo.
Laser Fractional CO2 mang lại hiệu quả vĩnh viễn khi điều trị sẹo
– Thay da sinh học: đây là phương pháp được sử dụng để loại bỏ bề mặt chai cứng của vết sẹo cũng như kích thích phục hồi và tái tạo toàn bộ bề mặt da, từ đó bề mặt sẽ dần trở nên phẳng và đồng đều hơn với các vùng da xung quanh theo từng lần tái cấu trúc. Một bước phát triển đột phá của phương pháp này là sự ra đời của liệu pháp chấm tăng trưởng vi điểm CROSS dành cho sẹo đáy nhọn (ice-pick) vốn không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường khác. Dung dịch các acid hữu cơ cùng với các yếu tố tăng trưởng sẽ len lỏi sâu đến tận đáy của các vết sẹo và phá vỡ cấu trúc chai cứng bề mặt đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ quá trình làm đầy sẹo lõm thông qua việc kích thích tăng cường sản sinh collagen và elastin, giúp cho các vết sẹo được cải thiện một cách đáng kể sau mỗi quy trình điều trị.
Thay da sinh học
– Vi mài mòn da (microdermabrasion): một kỹ thuật không xâm lấn sử dụng vi tinh thể và chân không để loại đi các tế bào da già cỗi trên bề mặt. Phương pháp này có thể được kết hợp sử dụng với các liệu trình điều trị mụn viêm dễ để lại sẹo hoặc dùng điều trị các vết sẹo lõm nông. Trừ khi được thực hiện ở mức độ mạnh, nếu không cà da mặt vi tinh thể sẽ chỉ đem lại kết quả tương đối thấp.
Vi mài mòn da (microdermabrasion)
Phương pháp phẫu thuật
Các phương pháp phẫu thuật dưới đây được sử dụng để điều trị các tình trạng sẹo đáy vuông (boxcar) và sẹo đáy nhọn (ice-pick) tương đối nghiêm trọng.
Ghép da trị sẹo
Các mảnh da nhỏ được dùng để thay thế cho vùng da sẹo. Phương pháp này cho kết quả tối ưu nhất đối với các vùng da ít cử động trên mặt chẳng hạn như vùng trán. Nó là lựa chọn điều trị cho hầu hết các trường hợp sẹo đáy nhọn và thường da sẽ lành lại trong vài tháng mà không để lại dấu vết đã rạch khi thực hiện liệu trình.
Phẫu tách dưới da (subcision)
Một quy trình phẫu thuật khá đơn giản được ứng dụng để điều trị các vết sẹo mụn lõm. Phương pháp này sử dụng một lưỡi dao hoặc đầu kim nhỏ để cắt và phân tách cấu trúc bên dưới của các vết sẹo chai cứng, từ đó kích thích quá trình tái tạo làn da một cách mạnh mẽ thông qua việc thúc đẩy tăng cường tổng hợp các thành phần cấu trúc collagen và elastin, giúp vết sẹo lõm đầy dần lên đáng kể sau mỗi quy trình. Ngoài ra, bề mặt vết thương sau điều trị cũng sẽ trở nên mềm mịn và mượt mà hơn. Phẫu tách dưới da thường được kết hợp với các phương pháp khác như tái tạo bề mặt da bằng laser để đạt được hiệu quả tối ưu.
Phẫu tách dưới da được ứng dụng để điều trị các vết sẹo mụn lõm
Cấy ghép chất béo
Quy trình này sử dụng các chất béo từ một phần cơ thể của chính bệnh nhân để lấp đầy các vết sẹo lõm. Nó loại bỏ được nguy cơ phản ứng miễn dịch do sử dụng chất béo của cùng một cơ thể. Các chất béo này hiếm khi được dùng đơn độc mà thường được thêm vào thành phần PRP (Platelet Rich Plasma – huyết tương giàu tiểu cầu). Đôi khi các cục máu đông cũng được sử dụng để mang theo các thành phần cytokin của máu, chúng sẽ tạo nên một mạng lưới để các sợi collagen mới xâm nhập vào tăng sinh và phát triển. Các tế bào gốc của cơ thể đối lúc cũng được huy động về vùng vết thương bởi các PRP.