Có đến 70% cơ thể là nước, vì thế nhu cầu nước đối với mỗi người là rất lớn, nếu không cung cấp đủ, làn da và cả cơ thể sẽ gặp nhiều vấn đề, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Giống như những cơ quan khác, các tế bào da cũng có thành phần cấu tạo là nước. Nếu thiếu nước, các tế bào sẽ hoạt động không tốt, khiến cơ thể mệt mỏi, mà biểu hiện rõ rệt của việc mất nước là khô da môi. Nước sẽ được dẫn tới các cơ quan khác trước khi đến da. Việc giữ nước cho cơ thể một cách đúng đắn sẽ làm giảm đi việc mất nước và quan trọng nhất là ngăn chặn được các nếp nhăn, tổn hại cho da.
Vai trò của nước đối với da
Da chứa 9% nước trong cơ thể. Nước có vai trò quan trọng giúp da luôn mềm mại, loại bỏ chất độc do các phản ứng sinh hóa trong cơ thể tạo ra. Khi thiếu nước, cơ thể sẽ sử dụng chất lỏng dự trữ và da trở nên khô. Cung cấp nước đầy đủ cho da giữ cho da luôn thông thoáng và sạch sẽ, hạn chế mụn.
Quá trình cấp nước cho da phụ thuộc vào lượng nước cân bằng trong cơ thể. Mất nước có thể làm khô da trầm trọng hơn do giảm độ ẩm da. Người lớn tuổi thường dễ bị mất nước vì cảm giác khát suy giảm theo tuổi tác. Tình trạng da thiếu độ ẩm có những biểu hiện khác nhau, từ khô, tróc vảy, có vết nứt nhỏ cho đến nổi mẩn đỏ, viêm, căng và nổi ngứa. Tuy nhiên, các biểu hiện có thể khác nhau tùy theo mức độ và vị trí mà da bị khô. Khi hàm lượng nước của lớp sừng giảm xuống dưới 8 – 10% so với giá trị bình thường là 15%, da trở nên thô ráp, xỉn màu và giảm sức đề kháng.
Nước có vai trò quan trọng giúp da luôn mềm mại
Da khô, thiếu nước dẫn đến hiện tượng tăng sản biểu bì, tăng đáp ứng viêm. Nhưng nếu da quá ẩm, tiếp xúc với nước lâu dài sẽ gây ra tình trạng viêm da kích ứng. Sự mất nước xuyên biểu bì da khác nhau mang tính chủng tộc. Chủng tộc da trắng cao nhất, lần lượt đến da vàng và cuối cùng là da đen. Giữa các vùng da trên cơ thể cũng có sự mất nước khác nhau: cao nhất là lòng bàn tay, kế tiếp là bàn chân, trán, cánh tay, đùi, ngực, bụng, lưng…
Lớp sừng chứa khoảng 10 – 15% nước của da. Lượng nước này phụ thuộc vào 4 yếu tố:
- Lượng nước cung cấp từ những lớp mô sống bên dưới da.
- Lượng nước được đào thải qua quá trình bốc hơi nước biểu bì.
- Khả năng lưu giữ nước của lớp sừng.
- Sự khuếch tán thụ động của hơi nước qua lớp biểu bì, phụ thuộc vào gradient nồng độ nước giữa hai bên lớp sừng.
Lớp sừng bao phủ toàn bộ cơ thể, cấu tạo gồm các tế bào sừng giàu protein, tế bào ở khoảng gian bào giàu lipid. Tế bào sừng chứa một yếu tố tan trong nước là các chất dưỡng ẩm tự nhiên. Nước là yếu tố làm mềm dẻo lớp sừng, giúp lớp sừng có thể uốn cong, tránh các vết rạn nứt. Nước làm tăng hoạt động của enzym tham gia trong quá trình bong vảy da.
Khi hàm lượng nước dưới 10%, nước được giữ chặt tại đầu phân cực của protein hoặc trong khoảng gian bào. Khi lượng nước trên 10%, nước sẽ liên kết hydro với protein và khi lượng nước cao hơn 40%, nước có tính linh động rất cao. Nước ở dạng bị giữ chặt sẽ không có khả năng làm mềm lớp sừng, nước liên kết hydro có khả năng linh động hơn và tạo độ đàn hồi cho da.
Phân tử nước chủ yếu nằm trong phần vô định hình của keratin, giữa những vi sợi. Sự tiết mồ hôi đóng vai trò quan trọng trong sự hydrat hóa lớp sừng. Lớp lipid trên bề mặt từ mồ hôi và bã nhờn sẽ hình thành nhũ tương với nước, giúp giữ nước cho bề mặt da. Hàm lượng nước đóng vai trò quan trọng trong cân bằng nội môi lớp sừng.
Nước được chuyển hóa thông qua sự hấp thu vào cơ thể
Thông qua tiêu hóa, nước được hấp thu vào hệ tuần hoàn, đi vào khoảng kẽ và được vận chuyển đến từng tế bào. Nước được hấp thu chủ yếu ở đầu ruột non (tá tràng và hỗng tràng), một phần nhỏ được hấp thu ở dạ dày và kết tràng. Ruột non hấp thu lượng nước khoảng 6,5 lít/ ngày, ruột già hấp thu khoảng 1,3 lít/ngày. Tổng lượng nước hấp thu trong hệ tiêu hóa gồm lượng nước uống, từ thức ăn và lượng nước tiết ra từ ống tiêu hóa: nước bọt, dạ dày, tụy. Tốc độ hấp thu của nước rất nhanh. Nghiên cứu của Peronnet và cộng sự (2012) cho thấy chỉ 5 phút sau khi uống nước đã được phân bố đến huyết tương và vận chuyển đến tế bào máu.
Nước được vận chuyển thụ động từ thành ruột vào huyết tương, theo chiều gradient nồng độ. Sau đó, nước được vận chuyển theo hệ tuần hoàn, cung cấp đến các tế bào và dịch kẽ. Nước di chuyển tự do trong khoảng gian bào và di chuyển qua màng tế bào thông qua các kênh.
Sự vận chuyển nước trong cơ thể
Nước và muối ở các khu vực khác nhau của cơ thể luôn luôn được trao đổi và phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhờ có sự trao đổi nước và muối giữa các khu vực mà nước và muối được hấp thu từ ống tiêu hóa vào huyết tương dễ dàng qua thành mạch vào dịch gian bào, từ dịch gian bào lại thẩm qua màng tế bào vào khu vực trong tế bào. Như vậy, cùng với nước, các chất dinh dưỡng được đưa đến tế bào để sử dụng. Đồng thời lại có quá trình vận chuyển nước từ trong tế bào ra dịch gian bào rồi vào huyết tương. Từ huyết tương, nước được vận chuyển đến các cơ quan bài tiết để thải ra ngoài cùng với các chất cặn bã khác.
Sự phân bố nước trong cơ thể
Cơ quan | Lượng nước (%) |
Mô mỡ | 10 |
Mô xương | 22 |
Gan | 68 |
Da | 72 |
Thận | 83 |
Phổi | 79 |
Tim | 79 |
Não | 79 |
Đào thải nước bằng cách thoát nước qua phân
Thất thoát nước qua phân tương đối nhỏ ở người lớn khỏe mạnh, khoảng 200 ml/ngày trong điều kiện bình thường. Số lượng này có thể tăng đáng kể trong trường hợp tiêu chảy.
Da và mồ hôi
Bài tiết mồ hôi có nhiều mức độ khác nhau, bài tiết thấp ở người ít vận động, trong môi trường có nhiệt độ trung bình, tăng đến vài lít/ngày khi hoạt động thể chất, căng thẳng, nhiệt độ cao. Tiết mồ hôi có ảnh hưởng rất quan trọng đối với nhu cầu cân bằng nước trong cơ thể, tùy thuộc vào tình trạng hoạt động và thời tiết môi trường. Mồ hôi được sản xuất ở lớp trung bì của tuyến mồ hôi. Mồ hôi có thành phần nước chiếm 99%, có pH từ 5 đến 7, khoảng 0,5% chất khoáng (kali và natri clorua) và 0,5% các chất hữu cơ (ure, acid lactic).
Thông qua nước tiểu
Về mặt định lượng, thoát nước qua nước tiểu là con đường thải nước nhiều nhất trên người bình thường. Tuy nhiên, thể tích nước tiểu có thể thay đổi trong một phạm vi rộng, từ khoảng 500 ml đến khoảng vài lít mỗi ngày. Lượng nước tiểu được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo cận bằng chất lỏng cơ thể cùng với vai trò bài tiết chất thải của nó.
Chế độ nước uống hằng ngày đối với người bình thường (đơn vị: lít)
Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu | Hội đồng Nghiên cứu Sức khỏe và Y học quốc tế | WHO | Học viện Y học Hoa Kỳ | |
Nam giới | 2,5 | 3,4 | Không vận động: 2,9
Vận động: 4,5 |
3,7 |
Nữ giới | 2,0 | 2,8 | Không vận động: 2,2
Vận động: 4,5 |
2,7 |
Về lượng nước uống cần đưa vào cơ thể, có nhiều ý kiến cho rằng, uống khoảng 2 lít nước/ngày là phương án tối ưu để giữ cho cơ thể đủ nước nhưng cũng lưu ý không nên uống quá nhiều nước trong một ngày. Khi uống quá nhiều nước hàng ngày sẽ làm tăng tổng lượng máu toàn cơ thể, gây gánh nặng cho tim và mạch máu của cơ thể đồng thời thận sẽ phải làm việc thêm giờ để lọc lượng nước dư thừa ra khỏi hệ thống tuần hoàn, gây hư hại, tổn thương. Nếu uống nước nhiều hơn nhu cầu của cơ thể, thận sẽ nhanh chóng thải phần còn thừa đi.
Nhu cầu nước đối với cơ thể là bao nhiêu?
Không nên uống nước quá lạnh sẽ làm ảnh hưởng đến dạ dày, nhiệt độ nước tốt nhất chỉ nên ở khoảng 10°C. Nếu uống quá nhiều nước sẽ dẫn đến hiện tượng ngộ độc nước, ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy hiểm đến tính mạng. Ngộ độc nước là tình trạng dư thừa nước tự do trong cơ thể, hậu quả là gây các rối loạn về các chất điện giải trong máu như natri, kali, canxi, magiê… Nồng độ các thành phần điện giải này có thể thấp trong máu do bị nước pha loãng, ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào não. Trong trường hợp ngộ độc nước, người bệnh thường có các triệu chứng thần kinh như nhức đầu, nôn ói, lơ mơ, có giật, hôn mê,… nếu không được nhập viện và xử trí kịp thời có thể tử vong.
Nhu cầu nước đối với da dầu
Nếu da không đủ nước, thiếu độ ẩm sẽ trở nên khô ráp. Da khô ít có khả năng phục hồi và rất dễ bị nhăn. Lượng nước trong cơ thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe con người, bao gồm cả hoạt động bài tiết dầu trong da. Lượng nước cơ thể có thể được sử dụng như một công cụ để điều chỉnh quá trình sản xuất dầu của da.
Lượng nước cơ thể được sử dụng để điều chỉnh quá trình sản xuất dầu của da
Nước là thành phần quan trọng trong việc giữ cho các cơ quan và cơ thể hoạt động tốt. Khi mất nước, xuất hiện những vùng da khô, sậm màu, các tuyến nhờn trong da sẽ bắt đầu sản xuất thừa dầu và bã nhờn để bù đắp cho sự thiếu quá trình hydrat hóa, dẫn đến da nhờn và xuất hiện mụn trứng cá. Để khắc phục sự dư thừa dầu trên da, nên cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Uống từ 1,92 – 2,4 lít nước mỗi ngày sẽ giúp giữ ẩm cho da dầu và cung cấp nước cho nhu cầu của toàn cơ thể. Khi da được ngậm nước, các tuyến dầu sẽ nhận được tín hiệu từ trung ương thần kinh điều phối cho biết lượng dầu dư thừa không còn cần thiết và do đó giúp làm chậm quá trình sản xuất dầu trên da, ngăn ngừa hình thành mụn trứng cá.
Nhu cầu nước đối với da mụn
Uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng mụn đáng kể, chủ yếu dựa trên cơ chế hỗ trợ giải độc tự nhiên của nước trong cơ thể. Mụn trứng cá phát triển khi tích tụ các chất độc trên da và gây ra tình trạng viêm nhiễm. Nước tạo môi trường để lọc những chất độc ra khỏi cơ thể, góp phần làm đẹp da. Nước tạo nền tảng cho hệ tuần hoàn lưu thông máu dễ dàng, hỗ trợ hệ tiêu hóa đào thải và bài tiết các chất độc. Uống nước đầy đủ giúp thải trừ chất độc, tránh hiện tượng quá tải thải độc tại thận và hệ tiêu hóa, giúp bảo vệ hệ miễn dịch, từ đó giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị mụn hiệu quả.
Uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng mụn đáng kể
Nhu cầu của nước đối với da khô
Cần cung cấp đầy đủ lượng nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước mỗi ngày ít nhất là từ 2-2,5 lít, chia đều trong ngày, cứ 15 phút lại uống nước một lần, không nên uống một lúc quá nhiều nước và ngược lại không để cơ thể thiếu nước quá lâu. Thói quen này sẽ giúp dưỡng ẩm cho da ngay từ bên trong bởi mỗi tế bào da đều được “ngậm” nước đầy đủ, cải thiện đáng kể tình trạng da khô và đẩy lùi nguy cơ mắc phải các chứng bệnh ngoài da cực kỳ hiệu quả. Bên cạnh nước lọc, có thể bổ sung thêm các loại trà thảo dược (trà atiso, trà Cỏ ngọt, trà râu bắp…) và nước ép các loại rau xanh, trái cây để phát huy tác dụng chăm sóc da tốt hơn.
Uống nước đủ sẽ giúp đáp ứng nhu cầu dưỡng ẩm da từ bên trong
Thể tích và màu sắc nước tiểu phản ánh tình trạng và nhu cầu nước trong cơ thể
Thể tích và màu sắc nước tiểu thường được sử dụng như một chỉ số về tình trạng mất nước. Người khỏe mạnh có nước tiểu khoảng 100 ml/giờ nghĩa là được cung cấp đủ nước. Tiểu hơn 300-600 ml/giờ có thể là dấu hiệu của dư thừa nước, ít hơn 30 ml/giờ trong thời gian dài với một chế độ ăn uống trung bình là dấu hiệu mất nước. Màu sắc của nước tiểu thường sậm hoặc sáng do nồng độ chất tan phản ánh lượng nước trong cơ thể. Vì vậy, màu sắc nước tiểu đã được sử dụng như một chỉ số phản ánh tình trạng mất nước.
Tuy nhiên, không có mối quan hệ chính xác giữa màu sắc nước tiểu và mức độ hydrat hóa tồn tại. Hơn nữa, chế độ ăn uống, thuốc và vitamin sử dụng có thể ảnh hưởng đến màu sắc nước tiểu. Mặc dù gần như không chính xác như các biện pháp sinh hóa, nhưng màu nước tiểu có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu nước một cách tương đối.
Màu sắc | Tình trạng nước cơ thể |
Không màu, trong suốt | Uống quá nhiều nước, nên giảm bớt lượng nước dùng trong ngày |
Màu rơm nhạt | Trạng thái bình thường, khỏe mạnh, được cung cấp đủ nước |
Vàng sẫm | Bình thường nhưng cần uống thêm nước |
Hổ phách | Cơ thể không đủ nước, cần được bổ sung thêm ngay lập tức. |