Mỗi loại mỹ phẩm sẽ có độ an toàn trong một thời gian nhất định, đó là lý do tại sao bạn cần chủ ý đến hạn sử dụng cũng như cách bảo quản khi chọn mua sản phẩm. Đồng thời, trong các sản phẩm vẫn có thể chứa 1 số các thành phần chỉ có tác dụng nhất thời, khi sử dụng về lâu dài sẽ cực kỳ nguy hiểm. Vì thế, để hiểu rõ về độ an toàn của thành phần trong mỹ phẩm, bài viết này sẽ giải đáp đầy đủ cho bạn.
Các chế phẩm chứa cồn bay hơi
Trong hầu hết mỹ phẩm, cồn được sử dụng như 1 một chất hòa tan các hoạt chất hoặc các thành phần khác trong công thức mà không tan trong nước bởi tính chất đặc trưng của chúng. Trong một số sản phẩm khác, cồn được sử dụng bởi tác dụng làm thu nhỏ lại lỗ chân lông (các sản phẩm dành cho da dầu), thông thường hơn chúng được dùng để thay đổi độ nhớt của công thức và làm tăng sự hấp thu của kem vào trong da. Cồn cũng được dùng như một chất bảo quản bởi tác dụng kháng khuẩn của nó.
Các loại nước hoa cũng thường chứa cồn trong công thức của chúng. Các sản phẩm chăm sóc tóc cũng chứa cồn dưới các dạng bào chế như gel, khí dung xịt hay các sản phẩm tạo bọt. Cồn cũng được sử dụng trong các sản phẩm như gel bôi sau khi cạo râu, sản phẩm trị mụn, trị gàu hay rụng tóc.
Khi chúng ta đề cập đến cồn trong mỹ phẩm là nói đến ethanol hay thường được gọi với những cái tên như SD (specially denatured) alcohol, Isopropyl alcohol hoặc alcohol denat (denatured alcohol) trên nhãn thành phần sản phẩm. Đây là những loại cồn bay hơi làm cho sản phẩm nhanh khô và để lại cảm giác mát lạnh cho da, đặc biệt là các sản phẩm dành cho da dầu.
Cồn trong mỹ phẩm – Ethanol
Loại cồn bay hơi này có thể gây kích ứng và không tốt cho da. Các hình thức kích ứng có thể là gây khô da, gây tổn thương da do để lại các gốc tự do, làm mất đi lớp hàng rào bảo vệ da tự nhiên và gây đau các vị trí đang có vết thương hở. Gọi chung là chúng có thể thúc đẩy quá trình lão hóa da.
Trong các sản phẩm dành cho da dầu, cồn được sử dụng để loại bỏ dầu một cách nhanh chóng nhằm đem lại cảm giác khô thoáng tức thì cho da. Tuy nhiên, điều này có thể làm to lỗ chân lông và gây khô da dẫn đến phản ứng dội ngược của hệ thống tiết dầu làm cho dầu lại tiết ra nhiều hơn nữa. Chính điều này có thể gây bùng phát mụn không viêm và làm cho tình trạng mụn viêm tồi tệ hơn.
Chất kháng viêm Corticoid
Hiện tại, trên thị trường có vô số loại mỹ phẩm với mức giá và chất lượng đa dạng để thỏa mãn nhu cầu của mọi người. Và có một thực trạng rằng hầu hết các loại mỹ phẩm lưu hành trên thị trường mà không có giấy phép lưu hành hay số công bố, thậm chí là có đối với một vài trường hợp đặc biệt, đều được điều chế với thành phần chính là corticoid hay còn có tên gọi khác là kem trộn.
Corticoid là một chất kháng viêm có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch và chống dị ứng dù với bất kỳ nguyên nhân gì. Do đó khi sử dụng các loại mỹ phẩm có chứa lượng lớn chất này, người sử dụng sẽ cảm thấy làn da của mình vô cùng đẹp, trắng sáng không tỳ vết. Nhưng đó chỉ là bề nổi, do corticoid đã ức chế hệ thống miễn dịch, quá trình viêm và quá trình sản sinh sắc tố. Điều này là vô cùng nguy hiểm, vì khi đó làn da đã trở nên vô hại đối với các loại vi khuẩn lạ hay các yếu tố bất lợi của môi trường, đồng thời các quá trình sinh lý bình thường trên da cũng không còn hoạt động, dẫn đến một hệ lụy là nếu sử dụng các loại mỹ phẩm này trong thời gian dài, khi ngừng sử dụng sẽ có các biến chứng sau:
Corticoid ức chế hệ thống miễn dịch, quá trình viêm và quá trình sản sinh sắc tố
- Da bị bào mòn đến rất mỏng, dẫn đến đỏ da và thấy rõ cả mạch máu trên da (da đã bị bào mòn dần trong quá trình sử dụng sản phẩm.
- Nám kháng trị. Tình trạng này là do phản ứng dội ngược của quá trình sản sinh sắc tố melanin vì trong thời gian sử dụng mỹ phẩm, quá trình sản sinh sắc tố đã bị ức chế mạnh, đến khi ngưng kem thì quá trình này một phần hoạt động lại theo sinh lý bình thường, một phần lớn khác hoạt động vô cùng mạnh mẽ để đáp ứng lại nhu cầu trong thời gian bị ức chế dẫn đến mất kiểm soát và kết quả là một lượng lớn sắc tố da trồi lên trên bề mặt. Gọi là kháng trị bởi vì không một loại mỹ phẩm hay liệu trình nào có thể tác động lên da vào thời điểm này nữa, vì phản ứng viêm sẽ gây nguy hiểm đối với làn da của bệnh nhân.
- Nghiêm trọng hơn cả chính là tình trạng vi nấm quá nhiều dẫn đến ngứa ngáy, kích ứng da hoặc thậm chí là mụn bùng phát khiến cho bệnh nhân vô cùng khó chịu, lo lắng và hoang mang. Hiện tượng này là do tác động ức chế hệ thống miễn dịch và kháng viêm của corticoid trong thời gian dài, làn da đã không được bảo vệ và tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi nấm phát triển. Đến khi ngưng sử dụng sản phẩm, phản ứng viêm của cơ thể bắt đầu hoạt động trở lại và hoạt động vô cùng mạnh mẽ để chống lại các tác nhân này, gây nên các tình trạng trên.
- Còn một biến chứng nữa, vô cùng nguy hiểm nếu bệnh nhân sử dụng corticoid lâu ngày trên diện rộng. Khi đó corticoid sẽ cho tác dụng toàn thân, gây ức chế vỏ thượng thận trong việc sản sinh ra cortisol (một dạng của corticoid, hiện diện trong cơ thể với một trong các chức năng là chống stress bảo vệ cơ thể). Khi ngừng kem đột ngột, vỏ thượng thận sẽ cố gắng hoạt động trở lại để đáp ứng sinh lý của cơ thể, tuy nhiên do cố gắng quá mức sau thời gian dài không hoạt động vì vậy dẫn đến hội chứng suy vỏ thượng thận cấp, lúc này chỉ cần một tác động nhỏ gây giật mình như tiếng còi xe tải cũng có thể dẫn đến tử vong.
Tác hại của Corticoid
Đối với người đã bị lệ thuộc corticoid, việc điều trị là vô cùng khó khăn, biện pháp hữu hiệu duy nhất chỉ có thể là ngưng không sử dụng bất cứ loại mỹ phẩm nào, vì hầu hết đều sẽ gây kích ứng mạnh lên da và càng dùng thuốc thì sẽ càng bị lệ thuộc lâu hơn. Thời gian này đòi hỏi bệnh nhân phải cố gắng cai nghiện corticoid và kiên trì chấp nhận các vấn đề về thẩm mỹ cũng như tình trạng ngứa ngáy khó chịu trên da. Đối với các trường hợp đã nhiễm khuẩn nặng, thì cho dù có loại mỹ phẩm không gây kích ứng da đi chăng nữa thì cũng sẽ gây hại cho da vì các chất dinh dưỡng trong sản phẩm sẽ càng tạo một môi trường thuận lợi hơn cho vi khuẩn, vi nấm sinh sôi phát triển càng nhiều. . Do vậy, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị và cố gắng ngừng sử dụng trước khi quá muộn.
Chì và các kim loại nặng khác trong mỹ phẩm
Một số kim loại nặng như chì, arsen, thủy ngân, sắt, kẽm… được tìm thấy trong rất nhiều các loại mỹ phẩm chăm sóc cơ thể. Trong đó, chúng có thể được cố ý thêm vào như một thành phần trong công thức điều chế hoặc là tạp chất trong quá trình sản xuất mỹ phẩm. Các kim loại này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây nhiễm độc hệ thống sinh sản, hệ miễn dịch và trên cả thần kinh trung ương.
Những kim loại nặng này được tìm thấy trong các loại son môi, kem đánh răng, bút kẻ mắt, nước sơn móng tay, kem chống nắng, kem đánh má hồng, che khuyết điểm, kem dưỡng ẩm…
Lưu ý: nếu kim loại nặng là tạp chất kèm theo, chúng sẽ không được thể hiện trên nhãn sản phẩm.
Chì và các kim loại nặng được tìm thấy trong các loại son môi, kem đánh răng, bút kẻ mắt
Một số kim loại đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa các phản ứng sinh hóa bình thường trong cơ thể. Ví dụ: sắt là yếu tố thiết yếu trong cấu trúc hồng cầu, vận chuyển oxy trong máu. Tuy nhiên, khi các kim loại này tích lũy với hàm lượng cao trong cơ thể có thể gây nên các ảnh hưởng nghiêm trọng, chẳng hạn như chì, thủy ngân có thể gây ngộ độc và tử vong.
Tạp chất trong một loạt các mỹ phẩm chứa kim loại nặng bao gồm kem chống nắng, nước sơn móng tay, son môi, kem đánh răng… Một số thành phần có nguồn gốc từ thực vật như dầu hạt bông và các dẫn xuất cũng có thể chứa chì, thủy ngân…
Trong khi kim loại có thể là tạp chất trong các quá trình điều chế sản phẩm, thì đôi khi chúng lại được nhà sản xuất thêm vào như một chất tạo màu. Ví dụ, crom được sử dụng trong một số các sản phẩm như là một chất tạo màu, oxid sắt được dùng phổ biến trong các sản phẩm đánh bóng, kẻ mắt, má hồng, kem phủ… Một số hợp chất nhôm là chất màu trong son môi, nước sơn móng tay. Ngoài ra, một số chất phụ gia tạo màu có thể chứa tạp chất là các kim loại nặng, chẳng hạn như D&C Red 6 có thể bị nhiễm arsen, chì và thủy ngân.
Vấn đề sức khỏe cần quan tâm
Ung thư, khả năng phát triển và sinh sản, ngộ độc các Cơ quan, tích lũy trong hệ thống nội mô cơ thể…
- Chì: chì là một tạp chất phổ biến trong hầu hết các loại mỹ phẩm, đặc biệt là son môi. Đây là một chất gây độc trên hệ thần kinh trung ương và đã được chứng minh khả năng ảnh hưởng đến ngôn ngữ, khả năng tư duy, học tập và các vấn đề về hành vi của cá nhân nhiễm độc. Do đó, xăng và sơn tại Mỹ đã buộc phải loại bỏ chì, làm giảm đáng kể các rủi ro trong nhiều thập kỷ qua. Chì gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả nam và nữ, làm thay đổi hormon, rối loạn kinh nguyệt. Đặc biệt, phụ nữ mang thai rất dễ bị tổn thương vì chì đi qua nhau thai và được tích lũy trong thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc ảnh hưởng tiêu cực trong sự phát triển của thai nhi. Tuổi dậy thì cũng chịu ảnh hưởng của chì, gây chậm trễ trong sự phát triển hệ thống sinh sản của cơ thể.
Chì là tạp chất phổ biến trong mỹ phẩm
- Thủy ngân: thủy ngân gây nhiễm độc hệ thống thần kinh, hệ miễn dịch, hệ thống hô hấp của cơ thể. Năm 2013, một nghiên cứu cho thấy thủy ngân có thể phá vỡ hormon tuyến giáp. Thủy ngân đặc biệt nguy hiểm đối với sự phát triển của thai nhi, dễ dàng hấp thu qua da. Thủy ngân còn là chất phổ biến được sử dụng như là một thành phần trong công thức hoặc tạp chất trong quá trình điều chế mỹ phẩm và trở thành mối quan tâm đáng lo ngại đối với sức khỏe con người.
Thủy ngân trong mỹ phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người
- Các kim loại khác: nhôm và các hợp chất của nó có sự khác nhau về độc tính, một số có khả năng gây ngô độc hệ thống thần kinh, ảnh hưởng sự phát triển của hệ thống sinh sản và ung thư. Crom có khả năng liên kết mạnh mẽ với hệ miễn dịch và hô hấp cũng như khả năng hình thành khối u trên động vật ở liều thấp. Một số kim loại nặng hoặc các hợp chất kim loại khác như titanium dioxide và oxid kẽm, có rất ít bằng chứng chứng minh khả năng gây độc ở của chúng ở dạng tự nhiên.
Đối tượng: chịu ảnh hưởng lớn nhất là phụ nữ mang thai, trẻ em và thanh thiếu niên.
Phòng tránh: mặc dù đã có những chú ý và cảnh báo nguy hại của chì trong mỹ phẩm, nhưng nó và các kim loại nặng khác vẫn có trong nhiều sản phẩm trên thị trường. Kim loại nặng rất khó để phòng tránh do chúng thường không được liệt kê trên nhãn sản phẩm, vì vậy tốt nhất nên hạn chế và thận trọng trong việc sử dụng son môi.
Dị ứng mỹ phẩm
Mỗi loại mỹ phẩm đều có những ưu điểm, nhược điểm và có tác dụng khác nhau lên những loại da khác nhau. Dị ứng mỹ phẩm có thể xảy ra khi da không thích ứng được với một thành phần nào đó trong mỹ phẩm hoặc do dùng quá liều lượng hay sai phương pháp. Do đó, bạn cần kiểm tra các thành phần để xác định độ an toàn của mỹ phẩm, đảm bảo cho sức khỏe mình.
Biểu hiện của dị ứng mỹ phẩm
Tất cả các loại dị ứng mỹ phẩm đều có biểu hiện ngoài da, nhưng sẽ ở mức độ và thời gian khác nhau. Với những loại tác dụng nhanh có thể khiến cho da bị dị ứng trong vòng 24 giờ kể từ khi dùng mỹ phẩm. Loại dị ứng này có một số biểu hiện dễ dàng nhận thấy như:
Biểu hiện của dị ứng mỹ phẩm
- Nổi mụn trứng cá: là triệu chứng thường gặp nhất, do bối những loại mỹ phẩm làm bít các lỗ chân lông, gây ứ đọng chất bã nhờn.
- Viêm da dị ứng: đây là dạng dị ứng rầm rộ hơn, biểu hiện bằng mảng hồng ban (mảng đỏ vùng bối mỹ phẩm), kèm theo mụn.
- Mề đay: bao gồm những sản phù, rất giống những vết muỗi cắn hay lằn roi đánh vào mặt da, kèm theo ngứa.
- Chàm tiếp xúc: mảng hồng ban giới hạn rõ, kèm theo mụn nước và ngứa.
- Khô da: da khô và tróc vẩy.
- Teo da: thường gặp ở những người dùng nhóm thuốc có corticoid kéo dài.
- Sạm da: tăng sắc tố sẫm màu.
- Lão hóa da: như nhăn da, đốm nâu, khô, nhám, tăng sừng.
Với loại tác dụng chậm phải mất 2, 3 tháng thậm chí lâu hơn để biết mình bị dị ứng. Một số biểu hiện của loại dị ứng thường thấy như: da mỏng và nhăn, da mất đi độ tươi sáng vốn có, bị mẩn đỏ hoặc rát ngứa khi gặp nước, da bị mụn thành từng mảng…
Làm gì khi bị dị ứng mỹ phẩm?
Khi thấy da có biểu hiện của việc dị ứng thì việc đầu tiên cần làm đó là lập tức ngưng sử dụng. Dùng nước sạch làm sạch da – lưu ý chỉ dùng nước sạch rửa nhiều lần và không nên sử dụng các loại mỹ phẩm làm sạch da khác trong trường hợp này.
Khi tình trạng dị ứng nhẹ, chỉ cần ngưng sử dụng là có thể hết, nhưng nếu tình trạng dị ứng nặng hơn thì nên sử dụng một loại thuốc kháng dị ứng.
Trong trường hợp khi nhận ra mình bị dị ứng mỹ phẩm thì da đã bị nặng, điều cần thiết là nên đến ngay các cơ sở y tế để nhận được sự chỉ dẫn chính xác từ các bác sĩ cho làn da.
Phòng ngừa dị ứng mỹ phẩm đúng cách
Không nên sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các loại mỹ phẩm đã quá hạn sử dụng. Người đang gặp các vấn đề về da nên chữa triệt để trước khi sử dụng các loại mỹ phẩm, tránh trường hợp bị nặng hơn khi dùng.
Cần thử phản ứng trước khi sử dụng mỹ phẩm, nhất là với những mỹ phẩm mới sử dụng lần đầu tiên. Có nhiều phương pháp thử:
- Phương pháp thử da ở mặt trong cánh tay: thoa mỹ phẩm vào vùng da ở mặt trong cánh tay rồi để 24 – 48 giờ xem có gây dị ứng hay không.
- Phương pháp PUT (Provocative Use Test) hay phương pháp ROAT (Repeat Open Application Test): là phương pháp xác định phản ứng chậm với mỹ phẩm. Thoa mỹ phẩm lên vùng da mặt trong cánh tay 2 lần một ngày (trong 2 tuần) với diện rộng khoảng 5cm để xác định phản ứng. Nếu vượt quá thời gian trên, vùng da thoa thuốc không có biểu hiện gì (như ngứa, hồng ban, nổi mụn nước…) thì chứng tỏ da không bị dị ứng với mỹ phẩm đó.